Sâu nặng, nghĩa tình Trường Sư phạm Tây Nam Bộ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử bày tỏ tình cảm kính trọng đối với các cựu học sinh Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ.

Tại buổi họp mặt, Tiến sĩ – Nhà giáo nhân dân Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban liên lạc, đã ôn lại truyền thống của trường.

Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ được thành lập và tổ chức hoạt động trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Trường mở lớp đầu tiên vào năm 1961 tại huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) với 50 học viên đến từ 6 tỉnh: Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long và khóa sư phạm cuối cùng kết thúc vào tháng 8/1975.

Nhiệm vụ chính của trường thời bấy giờ là đào tạo giáo viên để phát triển mạng lưới nhà trường trong chiến khu. Đội ngũ thầy cô giáo từ nguồn tại chỗ, từ vùng địch tạm chiếm vào và chi viện từ miền Bắc.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thầy cô giáo, học viên đã anh dũng hy sinh. Những người còn lại sau ngày hòa bình, hầu hết đã trưởng thành, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Nay tất cả đã nghỉ hưu, nhưng ai nấy vẫn góp sức mình vào công tác xã hội và giáo dục con cháu, sống vui và có ích cho xã hội.

Buổi họp mặt diễn ra trong không khí ấm áp, thâm tình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử khẳng định: “Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ là biểu tượng đẹp của tình thầy, trò, tình bạn, tình đồng chí sâu nặng; là hạt giống đỏ của sự tận tụy, say sưa, kiên trì gầy dựng phong trào giáo dục cách mạng vùng cực Nam Tổ quốc. Tôi mong rằng Ban liên lạc Trường Sư phạm khu Tây Nam Bộ tiếp tục thực hiện các hoạt động ý nghĩa như: Về nguồn, hoạt động an sinh xã hội…, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển các tỉnh vùng Tây Nam Bộ. Trong điều kiện, khả năng có thể, lãnh đạo tỉnh Cà Mau sẽ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện để Ban liên lạc nhà trường tiếp tục có những hoạt động đóng góp thiết thực trong thời gian tới”.

Tri ân vùng đất Cà Mau, các cựu học viên của trường đã đóng góp xây dựng “Nhà bia ghi danh anh hùng liệt sĩ” tại xã Tam Giang (huyện Năm Căn), nơi trường có nhiều khóa học nhất và thời gian đóng quân lâu nhất.

Dịp về nguồn lần này, ngoài tổ chức khánh thành công trình trên, Ban Tổ chức còn tặng 3 bộ thiết bị y tế vật lý trị liệu cho 3 xã: Tam Giang, Phú Mỹ của huyện Phú Tân và xã Thanh Tùng của huyện Đầm Dơi, trị giá 80 triệu đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *