Sẽ có chế tài cần thiết, để nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19, như công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp, và đất nước đạt tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Cho nên, đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, giải quyết thu nhập cho người lao động, đầu tư góp phần cho tăng trưởng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.

Do đó, trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương trong cả nước là rất lớn, nhất là chúng ta phải tập trung giải ngân đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương với 633.000 tỷ đồng.

“Mỗi khi làm việc ở địa phương, làm việc với các Bộ, ngành, thì các đồng chí đều đề cập là xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình, nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Năm nay giải ngân vốn đầu tư công có tiến bộ hơn là đạt trên 20%, tăng so với cùng kỳ khoảng 8%, nhưng còn khối lượng rất lớn chưa được các cấp, các ngành giải ngân”, Thủ tướng nói.

Hội nghị đã tập trung thảo luận, nhất là việc đưa ra những chế tài nào đối với người đứng đầu, để nâng cao trách nhiệm trong vấn đề giải ngân. Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị lần này sẽ đưa ra chế tài cần thiết, ngoài biện pháp mà Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ là điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này qua địa phương khác, từ ngành này qua ngành khác, từ công trình này qua công trình khác, thì có chế tài khác về thi đua khen thưởng, xử lý vấn đề đặt ra, đánh giá cán bộ…

Hội nghị nhìn nhận, hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công còn có “3 cái đọng”. Thứ nhất là vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được; thứ hai là nợ đọng, tức là hạng mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”; thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay.

Riêng tỉnh Cà Mau, tổng kế hoạch vốn năm 2020 đã được các cấp có thẩm quyền phân bổ là 4.009.994 triệu đồng, tính đến ngày 13/7 đã giải ngân 1.743.850 triệu đồng, đạt tỷ lệ 43,5% kế hoạch vốn. So với mặt bằng chung cả nước, hiện Cà Mau nằm trong top trung bình của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Hiện tỉnh có một số dự án gặp khó trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng như: Bệnh viện Lao và bệnh phổi; Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng; Dự án nâng cấp đê biển Tây; tuyến đường trục chính Đông – Tây; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội, huyện U Minh; Bến cập tàu bãi nhỏ và đường tuần tra trên đảo Hòn Khoai…

Tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến về cơ chế tài chính giải ngân vốn năm 2020 Dự án đầu tư cơ sở vật chất Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển đạt chuẩn Quốc gia.

Nguồn vốn nước ngoài (ODA) giải ngân chậm do khâu thủ tục hồ sơ liên quan đến việc triển khai dự án phải chờ sự chấp thuận hoặc thư không phản đối của các nhà tài trợ và các ban quản lý dự án Trung ương; vướng mắc trong cơ chế giải ngân dự án.

Tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến về cơ chế tài chính giải ngân vốn năm 2020 Dự án đầu tư cơ sở vật chất Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển đạt chuẩn Quốc gia; kiến nghị Ban Quản lý Trung ương các dự án Lâm nghiệp (CPO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức chọn nhà thầu tư vấn quốc tế để thực hiện Dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *