Siết chặt quản lý cầu dây văng

Câu dây văng trên địa bàn huyện Thới Bình.

“Trên thực tế, công tác quản lý, bảo trì công trình chưa được chủ quản lý, sử dụng quan tâm, nhất là các cầu sử dụng vốn ngân sách, nên các công trình nhanh xuống cấp như có nhiều chi tiết kết cấu thép bị gỉ sét, hư hỏng; đinh ốc, bu lông bị lỏng và mất; dây văng bị dãn”, ông Huấn cho biết thêm.

Trước đó, Sở GTVT đã ban hành một số văn bản hướng dẫn và đề nghị các đơn vị quản lý, sử dụng công trình triển khai thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì các cầu dàn thép tăng cường dây văng trên địa bàn. Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), khả năng chịu lực và tuổi thọ công trình, Sở GTVT đề nghị các chủ quản lý, sử dụng công trình phải triển khai ngay việc lập, phê duyệt quy trình bảo trì công trình (với các công trình chưa có). Theo quy định, công trình giao thông cấp II (nhịp kết cấu lớn nhất >42m ÷ 100m hoặc chiều cao trụ cầu từ 15m ÷ <30m) bắt buộc phải lập quy trình bảo trì riêng.

Bên cạnh đó, trong quy trình bảo trì cần xem xét bổ sung yêu cầu định kỳ không quá 5 năm, tổ chức mời đơn vị tư vấn và chuyên gia nhiều kinh nghiệm tham gia kiểm tra tổng thể toàn bộ kết cấu. Cụ thể là kiểm tra trực quan bề mặt dầm, trụ tháp, vị trí neo cáp văng trên dầm, trụ tháp, trụ neo, đo đạc kiểm tra trắc dọc cầu, chuyển vị gối cầu.

Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường, cần xem xét mời tư vấn kiểm định chất lượng bộ phận, hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình (nếu cần) để kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng tránh để các hư hỏng phát triển trong thời gian dài, đe dọa đến an toàn chịu lực và tuổi thọ của công trình; trong quy trình bảo trì phải xác định rõ thời gian sử dụng còn lại của công trình.

Thường xuyên kiểm tra công trình để phát hiện kịp thời các vấn đề bất thường phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng; xác định nguyên nhân và tổ chức khắc phục kịp thời các hư hỏng để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như phương tiện lưu thông trên cầu.

Trên địa bàn tỉnh có 6 công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, gồm: Cầu Tạ An Khương (trên tuyến đường ô tô đến trung tâm xã Tạ An Khương); cầu ngang trụ sở UBND xã Đất Mới (huyện Năm Căn); cầu qua sông Đầm Dơi (nối trung tâm xã Tân Dân vào tuyến đường Đầm Dơi – Thanh Tùng); cầu trung tâm hành chính huyện Cái Nước; cầu Vàm Ông Định (huyện Ngọc Hiển); cầu Sông Trẹm nối đường hành lang ven biển phía Nam vào khu du lịch Sông Trẹm (huyện Thới Bình và U Minh) và 6 công trình sử dụng vốn xã hội hóa, trong đó có 2 công trình được xây dựng theo hình thức BOT (cầu Hòa Trung bắc ngang sông Bảy Háp và cầu bắc qua Sông Trẹm, nối xã Hồ Thị Kỷ với xã Khánh An); 4 cầu được xây dựng theo hình thức dân sinh thu phí (cầu Rạch Ráng bắc qua sông Ông Đốc, cầu bắc qua Sông Trẹm tại thị trấn Thới Bình, cầu Tân Bằng và cầu Chắc Băng – Vàm Kênh 7).

Theo Sở GTVT Cà Mau, các cầu nói trên thuộc dạng cầu nhịp dàn thép tăng cường dây văng với ưu điểm là có trọng lượng nhẹ, khả năng vượt nhịp khá lớn. Các công trình này khi đưa vào sử dụng khai thác đã phát huy tốt vai trò, hiệu quả của dự án; đáp ứng nhu cầu đi lại và vận tải của người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *