Sông Đốc tăng tốc phát triển nhanh và bền vững

Lãnh đạo tỉnh và ngành chuyên môn cùng nhà đầu tư, chính quyền địa phương khảo sát tiến độ thực hiện các dự án quan trọng tại thị trấn Sông Đốc, sáng 9/12.

Đầu năm 2019, thông xe tuyến đường bờ nam Sông Đốc

Dư án tuyến đường bờ nam Sông Đốc có tổng chiều dài trên 23km, với chuẩn đường cấp IV đồng bằng, nối Quốc lộ 1A tại Rau Dừa (huyện Cái Nước), qua Rạch Ráng và điểm cuối tại thị trấn Sông Đốc. Dự án do Công ty TNHH Xây dựng Quang Tiền (Công ty Quang Tiền) – chủ đầu tư theo hình thức BT.

“Đến nay cơ bản hoàn thành cầu, đường, dự kiến thông tuyến vào đầu năm 2019”, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Công ty Quang Tiền, thông tin.

Trong một dự án khác cũng do Công ty Quang Tiền làm chủ đầu tư là Khu đô thị ven biển Sông Đốc, có diện tích gần 300ha, ông Minh xin chủ trương phân kỳ đầu tư thành 5 dự án thành phần.

Một dự án quan trọng khác cũng có mức độ đầu tư lớn là xây dựng Khu dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lấn biển Sông Đốc. Ông Minh cho rằng hiện đang gặp khó, nguyên nhân là Quy hoạch chung của thị trấn Sông Đốc và quy hoạch sử dụng đất địa điểm thực hiện Dự án đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch đã được duyệt, và vị trí xây dựng cảng biển tổng hợp chưa thỏa thuận vị trí với Bộ Giao thông vận tải; vướng phần diện tích thuộc khu vực rừng phòng hộ…

Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, hiện 45,5ha Khu công nghiệp Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc và xã Khánh Hải) đã có 13 doanh nghiệp hoạt động, đồng thời thông tin về thực trạng người dân lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép tại Khu neo đậu, tránh trú bão và Cảng cá Sông Đốc với 26 hộ. Khi thực tế xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, dù được vận động nhưng tàu thuyền ít chịu vào neo đậu tại Khu tránh, trú bão, bởi thiếu an toàn, va đập nhiều, ông Lê Phong nêu thực tế, đồng thời kiến nghị nên di dời địa điểm này vào sâu bên trong kênh Bà Kẹo. Tuy nhiên, vào đây thì lại vướng tĩnh không cầu trên tuyến đường bờ Nam đã xây dựng xong, khả năng chỉ có tàu nhỏ mới qua được.

Với lợi thế phát triển kinh tế biển, cùng với các dự án về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông kết nối với tỉnh và Vùng, sẽ tạo nên cơ hội mới, động lực để thị trấn Sông Đốc tăng tốc phát triển nhanh và bền vững.

Chấn chỉnh ngay “nội tình” tại trung tâm phát triển quỹ đất

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải cho rằng Khu neo đậu tránh, trú bão tại Sông Đốc hiện nay không còn phù hợp. Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đi khảo sát, đề xuất phương án di dời địa điểm neo đậu tàu thuyền tránh trú bão phù hợp, nhất là về độ sâu lòng sông, kết nối giao thông bộ, thuận hướng gió.

Trước áp lực dân cư, Khu Công nghiệp Sông Đốc hiện nằm trong khu dân cư là không còn phù hợp, phải di dời ra xa khu dân cư; khoanh vùng khu công nghiệp hiện tại, không cho phát sinh mới, từng bước xóa bỏ.

Đố với Khu dân cư bờ Nam gần 300ha, đề nghị chính quyền địa phương giám sát chặt, công bố quy hoạch rộng rãi, để từng hộ dân hiểu rõ được chủ trương, buộc  cam kết thực hiện theo quy hoạch, làm một cách chặt chẽ. Những hộ có mặt tiền hiện trạng thì cần được ưu tiên tái định cư tại chỗ, thuận lợi để sinh hoạt, kinh doanh.

Tỏ rõ thái độ không đồng tình khi hiện còn vướng mặt bằng tại một số điểm trên tuyến đường bờ nam Sông Đốc, mà nguyên nhân là do khâu kiểm đếm ban đầu trong thực hiện chính sách bồi hoàn thiếu chính xác, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu chấn chỉnh ngay “nội tình” tại Trung tâm Phát triển quỹ đất, bởi đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp này. Chính sự thiếu chính xác ban đầu đã dẫn đến những khó khăn cho cả dự án, kéo dài tiến độ, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Về khu dân cư ven cửa biển Sông Đốc, dù tồn tại tự phát từ lâu, nhưng khi nhìn nhận lại vấn đề để quy hoạch phát triển bền vững lâu dài thì phải có tầm nhìn, sát thực tế thời cuộc, dựa trên dự báo trước sự tác động ngày càng nghiêm trọng của thiên tai.

Có nên tồn tại hay phải di dời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải nghiên cứu thật kỹ mới đưa ra quyết định, và vấn đề này cần phải được đưa vào quy hoạch chung của thị trấn…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *