Sự trở lại đậm ân tình!

Hoàng My luôn gần gũi, yêu thương những hoàn cảnh kém may mắn như chính người thân gia đình.

“Mồ côi” vào đời

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, là nơi làm công tác nhân đạo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công gắn với công tác bảo trợ xã hội (nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật). Ở đây, biết bao trẻ mồ côi được cưu mang, lo cho cái chữ, cái nghề đàng hoàng và không ít em đã hòa nhập cộng đồng, xây dựng hạnh phúc gia đình, sống có ích cho xã hội. Anh Phạm Hoàng My (sinh năm 1983) là “hạt giống” đầu tiên được Trung tâm “vun trồng” trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn những ngày mới thành lập. Vậy mà mầm non ấy nhanh chóng tốt tươi, vươn dài, tỏa hương sắc với đời.

Nhà My ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, gia cảnh khó khăn. Cha My là thương binh 4/4, vốn mang nhiều bệnh trong người, ông qua đời khi My mới lên 4 tuổi. Thiếu thốn đủ bề, nên anh chị của My phải sớm nghỉ học phụ giúp mẹ lo cái ăn, cái mặc. Số phận không mỉm cười khi 3 năm sau đó, mẹ My trong một lần đi gỡ lưới cá bị rắn độc cắn, vĩnh viễn ra đi, bỏ lại các con giữa cuộc đời lắm khốn khó. My lớn dần trong sự chăm lo từ anh, chị. Rồi anh, chị My lần lượt có gia đình riêng, rời quê tìm kế sinh nhai, nên quyết định đưa My đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Đó là năm 1995, khi ấy, My 13 tuổi.

Ở cái tuổi chập chững bước vào đời phải sống trong cảnh thiếu vắng tình yêu thương, chở che của gia đình, My gần như gục ngã. Suốt nhiều ngày đầu tại Trung tâm, My không ăn, không ngủ, khóc đến ngã bệnh sốt thương hàn. 11 ngày nằm viện, My ngỡ mình không qua khỏi. Mỗi lần hôn mê, My lại thấy hình ảnh tảo tần của cha mẹ, cùng ánh mắt đầy tin tưởng, khích lệ, đã giúp My thêm động lực tinh thần vượt qua cơn bạo bệnh. Trở lại Trung tâm, được các mẹ, các bạn quan tâm, chăm sóc tận tình, My cảm nhận được sự ấm áp quanh mình, quên dần cảm giác mồ côi. Trải lòng với cuộc sống xung quanh, My xúc động với những số phận bất hạnh. My thầm nghĩ, dù sao mình cũng được may mắn là khi sinh ra thân thể lành lặn, vẫn còn nhiều người khổ hơn mình, và dặn lòng đừng bao giờ tuyệt vọng, phải mạnh mẽ đối mặt với chông gai thử thách của cuộc đời.

Chị Trần Thị Út, Trưởng phòng Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, chia sẻ: “Công việc ở đây nhiều áp lực, người không có tâm khó mà trụ được. Ở My, chúng tôi cảm nhận rằng ngoài trách nhiệm, My còn xem các em như chính hình ảnh của mình năm xưa, vì thế công tác giáo dục luôn mang lại kết quả cao”.

Xây tương lai bằng yêu thương

Quyết tâm vươn lên được My hiện thực bằng những ngày lội bộ đến trường, nghị lực vượt qua mặc cảm, tự ti để ghi thành tích tốt ở từng năm học. Con đường để có được tấm bằng đại học ngành Công tác xã hội đối với đứa trẻ mồ côi như Hoàng My quả không mấy bằng phẳng. My đến trường trễ so với bạn bè, khi vào Trung tâm, My 13 tuổi học lớp 4, học xong lớp 9 đã 19 tuổi. Ái ngại với bạn bè, thầy cô, My xin được học nghề hớt tóc, sửa xe để làm hành trang về quê kiếm sống. Trở lại cộng đồng, My lao động cật lực và sống ổn định với nghề, song như cái duyên trói buộc, hình ảnh về “mái nhà chung” với những người mẹ nhân từ, những anh em yêu thương cứ cồn cào nỗi nhớ. Trùng hợp, ngay thời điểm đó Trung tâm đang thiếu bảo vệ, lại thương cái tính chịu khó, siêng năng, lễ phép của My, nên Ban Giám đốc nhất mực bảo My quay lại làm việc cho Trung tâm.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ, My còn giúp Trung tâm rất nhiều việc: Đưa đón các em đến trường; phụ việc cùng các mẹ, các chị chăm lo bao mảnh đời bất hạnh… mà không nại thời gian, vất vả. Sự chân thành của My đã tạo được cảm tình từ Giã Tố Quyên, một cô giáo giàu lòng nhân ái, dạy trẻ khiếm thính tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Gia đình Quyên thuộc hàng khá giả ở xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời; thành viên gia đình đa phần công tác trong các cơ quan nhà nước. Dù thế, Quyên luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc, thấu hiểu, chia sẻ và cảm phục trước nghị lực của My.

Gần 10 năm làm bảo vệ, Hoàng My chưa bao giờ thấy hối tiếc hay hờn trách số phận. My luôn tâm niệm, bất cứ làm việc gì cũng cần tới nơi tới chốn, xuất phát từ tấm lòng mới cảm nhận được niềm vui và gặt hái thành công. Nhận nhiệm vụ chưa được 3 năm, Hoàng My được đứng vào hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được tín nhiệm làm Bí thư Chi đoàn, và nên duyên cùng cô giáo Giã Tố Quyên.

Bà Võ Ánh Nguyệt, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm, xúc động: “Tôi không lập gia đình, nên tất cả tình yêu thương đều dành hết cho các con ở Trung tâm. Đám cưới của My là đám đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm, tôi đứng ra làm chủ hôn nhà trai, thật hạnh phúc khi thấy con mình nên người, giỏi giang. Lúc ấy, các mẹ ai nấy mắt đỏ hoe, mấy đứa nhỏ thấy lạ cứ trố mắt nhìn…”.

Tiếp nối hành trình sẻ chia

Nhiều năm “giữ cửa”, My đã chứng kiến biết bao hoàn cảnh khổ đau của người già không ai phụng dưỡng, thương cảm các bé bị bỏ rơi khi chỉ vài tháng tuổi, với những trẻ dị tật, bại não sống quanh quẩn trên chiếc giường… My đặt cho mình trách nhiệm: Có thể bản thân không đủ khả năng để thay đổi cuộc đời họ, song chí ít cũng giúp học bớt đi mặc cảm, tiếp tục sống trong sự yêu thương, chia sẻ. Thế là, ban ngày My đi làm, tối đến tham gia học bổ túc, rồi thi vào đại học ngành Công tác xã hội. Từ đó, câu chuyện về cậu bé mồ côi Hoàng My bước sang trang mới, đi đến cái kết đầy nhân văn, đậm ân tình.

Từ năm 2014 đến nay, My nhận nhiệm vụ quản lý, chăm sóc trẻ nhóm lớn (từ 6 tuổi trở lên). My dành phần lớn thời gian giáo dục đạo đức, dạy về kỹ năng sống thông qua những câu chuyện đời thường, tình huống hàng ngày, để các em dễ tiếp thu, chuyển biến nhận thức, điều chỉnh hành vi.

Hơn ai hết, My thấu hiểu chỉ có yêu thương mới cảm hóa được con người, giúp họ quên đi mặc cảm, mạnh mẽ đối mặt với hoàn cảnh. Trước đây, có vài em mới đến, quen thói bụi đời, thường trốn ra ngoài đi chơi, phá phách. Bằng sự khéo léo, nhẹ nhàng như một người anh khuyên răn em, My mỗi ngày “đến” gần hơn với các em, để các em chia sẻ những dồn nén trong lòng, nhìn cuộc sống theo hướng tích cực, từ đó chấm dứt tình trạng gây mất trật tự. Nhóm My quản lý hiện có 30 em, trong đó 1 em đang học đại học, 3 em học THPT, 10 em học bậc THCS, 1 em học nghề, còn lại học tiểu học, học lực từ mức trung bình trở lên. Nhờ sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của các mẹ và anh My, mà em Lê Chí Bảo, học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du, đạt thành tích xuất sắc nhiều năm; vừa rồi em còn vinh dự được biểu dương toàn quốc là tấm gương mồ côi có ý chí vượt khó vươn lên trong cuộc sống và học tập, tại Thủ đô Hà Nội.

Đã 23 năm được nuôi dưỡng, học tập và làm việc tại Trung tâm Bảo trở xã hội tỉnh, Hoàng My luôn cảm nhận được hơi ấm lan tỏa từ “mái nhà chung” – nơi đã giúp My hiểu được giá trị của cuộc sống. Hướng về khoảng sân rộng, ánh mắt My tràn đầy phấn khởi khi “nhà” được mở rộng khang trang, các cụ già an hưởng trong căn phòng thoáng mát; trẻ em có góc học tập, sân chơi, ăn ngủ đảm bảo…

Rồi đây, trong môi trường giáo dục bằng chính hoàn cảnh người trong cuộc và bằng tình người, sẽ mang đến tương lai tươi sáng cho bao mảnh đời kém may mắn, như con đường nhân ái, nhân văn mà Phạm Hoàng My đã và đang vững bước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *