Tác động của biến đổi khí hậu – bài học đắt giá !

Cả một đoạn lộ dài trên 10m bỗng dưng đổ sụt, cắt đứt tuyến đường ôtô về trung tâm xã Khánh Hải.

Đi trên những tuyến đường ở xã Khánh Bình Tây Bắc trong những ngày nắng nóng khô khốc, chiếc xe máy của chúng tôi liên tục phải loạng choạng bởi mặt đường nhiều chỗ rạn nứt, một số đoạn phải dừng hẳn lại, dẫn xe vào tận sân nhà người dân để đi vòng, vì mặt đường đã nằm gọn dưới các lòng sông bị trơ đáy. Mặt đường tụt hẳn xuống thành những hố rất sâu, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông là rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Ẩn (xã Khánh Bình Tây Bắc) hàng ngày đan chổi rơm bán để kiếm thêm thu nhập, vì nắng hạn kéo dài, vụ mùa vừa qua do nhiễm mặn nên lúa bị chết, mất trắng. “Sống ở đây đã được 20 năm, nhưng chưa thấy năm nào có đợt hạn khắc nghiệt rồi làm đất sụt lở dữ dội như vậy”, bà Ẩn thảng thốt.

Ông La Thành Ánh vẫn còn bàng hoàng trước việc sụt đất tại khu vực gần nhà.

Con lộ bằng đất đen chạy qua trước nhà ông Huỳnh Văn Bông, ngụ Ấp 4 hiện cũng đã sụt xuống, tạo thành cái vực nối với con sông sâu hoắm, chạy dài hơn 10m. Ông Bông phải mở đường phía trong nhà để người dân trong ấp có thể đi lại. Bên cạnh đó, ông cũng lấy cây làm rào chắn để người dân men theo lối mới mà đi, tránh trường hợp xe lao xuống vực sâu. Ông Bông cho biết: “Đã tốn mấy trăm ngàn đồng tiền cây tràm gia cố tạm, tránh đất bị nứt mà cuốn luôn vào nhà. Giờ phải chờ tới mùa mưa để xáng vào múc đất dưới kênh đắp lên. Chứ đất sụt sâu như vậy thì làm bằng tay là không thể”.

Người dân khắc phục hậu quả do thiệt hại sau vụ sụt đất.

Tình trạng trên không chỉ diễn ra cục bộ tại một đoạn kênh, trong phạm vi địa phương mà đang lan sang xã Khánh Hải. Dù đã qua gần 2 tháng, song ông Phạm Văn Thảo (ấp Lung Tràm) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ lại cảnh đoạn lộ nhựa, tuyến đường ô tô về trung tâm xã trước nhà bỗng dưng đổ sụt giữa ban trưa. Không có dấu hiệu nào, không một tiếng động gì, đang nằm trong nhà, nhìn ra thấy hàng cây cặp đoạn lộ bỗng dưng thấp dần xuống, tưởng mình hoa mắt, ông Thảo cuống cuồng chạy ra xem sao thì cả mặt lộ kéo dài trên 10m sụt xuống gần 3m. “May mà lúc đó không có phương tiện giao thông đi qua và cũng là ngày Chủ nhật nên học sinh tại điểm Trường Kênh Ngang, Tiểu học 4, xã Khánh Hải, không đến trường, nếu không hậu quả khôn lường”, ông Thảo kể trong nỗi lo sợ còn hiện rõ trên gương mặt.

Tại Ấp 3, xã Khánh Bình Tây Bắc, tình trạng sụt lở ngày càng trở nên nghiêm trọng khi đã có 7 đến 8 nhà dân nằm ven sông bị sụt. Vụ sụt đất xảy ra trước Tết Nguyên đán. Một trong những hộ dân bị ảnh hưởng, ông La Hoàng Ánh: “Chúng tôi là nông dân, nên đâu có nhiều tiền để sửa lại căn nhà, tất cả đều trông vào vụ lúa, mà giờ lúa cũng đã chết sạch do hạn hán kéo dài, trắng tay, không biết tiền đâu để sửa nhà, để tái sản xuất cho vụ mùa tới”.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết tình trạng sụt lở đất ven sông, trên các tuyến đường giao thông ở địa phương hiện nay đang xảy ra khá phức tạp. Tổng chiều dài bị sụt lở của địa phương hiện đã hơn 4.000m. Một số tuyến lộ đã bị sụt gần hết, còn những tuyến lộ được đầu tư xây dựng từ chương trình JICA cho những ấp có rừng cũng bị sụt với chiều dài từ 50 – 60m. “Vừa qua, chúng tôi đã vận động người dân gia cố những chỗ bị sụt bằng cừ để tránh bị sụt thêm. Khó khăn nhất chính là nước dưới các con kinh đã khô cạn, cơ giới không thể vào múc đất bồi lên những chỗ đó được, cũng như vận chuyển vật liệu để khắc phục tại các điểm hư hại”, ông Hùng nói.

Giao thông đường thủy của địa phương đã bị chia cắt hoàn toàn. Hai xã Khánh Bình Tây Bắc và Khánh Bình Tây, hiện nay xe tải trọng lớn không đến được, do các tuyến lộ không đảm bảo vì thế việc cung ứng lương thực, xăng dầu… gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tại nhiều bờ bao trên các tuyến kênh, tuyến đê đều bị khô lâu nay, dẫn đến việc hình thành nhiều vết nứt sâu gây sạt lở đất và xâm nhập mặn – ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, thông tin.

Sụt lở đất ngoài nguyên nhân do các tuyến kinh khô cạn, khả năng do việc khai thác tầng nước ngầm quá mức, đã gây nên bức tranh ảm đạm, bao trùm lên các xã ven biển ở huyện Trần Văn Thời.

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *