Tái cơ cấu – dấu ấn của ngành Nông nghiệp Cà Mau

Cà Mau xác định con tôm là chủ lực của ngành kinh tế nông nghiệp, khi thực hiện tái cơ cấu, đã chuyển đổi mạnh phương thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tăng nhanh sản lượng tôm nuôi của tỉnh, đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh đạt 2.020ha vào cuối năm 2018.

Tôm – ngành hàng ưu tiên số 1

Theo Đề án lúc ban đầu, tỉnh xác định 6 ngành hàng chủ lực gồm: Tôm sinh thái, cua biển, lúa chất lượng cao, chuối, gỗ và khô cá bổi. Tôm – ngành hàng ưu tiên số 1 nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, có sự phối hợp của các doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của người nuôi tôm trong việc mạnh dạn áp dụng các mô hình mới, với các chứng nhận quốc tế. Đã hình thành được các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng được các vùng nuôi tôm có chứng nhận trong nước và quốc tế (VietGAP, ASC, B.A.P, Selva Shrimp…), đưa mặt hàng tôm Cà Mau có mặt tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Người sản xuất bắt đầu quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện liên kết chuỗi giá trị, nhằm tiêu thụ nông sản với giá trị gia tăng hơn so với trước đây. Bước đầu xây dựng được mối liên kết giữa nông dân với tổ hợp tác, hợp tác xã; giữa hợp tác xã với doanh nghiệp tại các điểm cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung, đặc biệt là vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung và tôm rừng theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất còn thấp. Việc xác định sản phẩm chủ lực trong thời gian đầu chưa phù hợp, chậm rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Nhận thức về tái cơ cấu nông nghiệp của một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn chung chung; nhiều địa phương còn lúng túng khi triển khai và tổ chức thực hiện đề án. Các quy hoạch theo từng lĩnh vực chậm được thông qua. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả chưa được nhân rộng. Các chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất không kịp thời, chậm điều chỉnh…

Trong quá trình triển khai thực hiện, để phù hợp với tình hình thực tế, ngành Nông nghiệp tỉnh đã sửa đổi, bỏ bớt những ngành hàng không còn chủ lực, những ngành hàng mà nguồn lực không còn đáp ứng với nhu cầu thực tế và không còn nhiều tiềm năng cũng như thế mạnh như ở thời điểm ban đầu khởi xướng Đề án. Theo đó, xác định lại 4 mặt hàng chủ lực gồm: Tôm, cua biển, lúa chất lượng cao và gỗ. Tuy nhiên, đến nay các ngành hàng này hoạt động vẫn chưa “êm”, vì có nhiều phát sinh mới cần điều chỉnh.

Cà Mau hướng tới xây dựng mô hình mỗi xã 1 sản phẩm.

Hoàn thiện cơ cấu ngành

Để giải quyết khó khăn trên, mới đây, tỉnh tổ chức hội thảo xác định lại các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, mặc dù Cà Mau có tới 3 sản phẩm nằm trong nhóm ngành hàng chủ lực của quốc gia và nhiều mặt hàng khác nổi bật, nhưng chưa khai thác hết lợi thế. Địa phương cần đánh giá lại tiềm năng về nâng tầm giá trị các sản phẩm chủ lực. Cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, kết nối thông tin với các hiệp hội để cung cấp giống lúa, thị trường lúa gạo và các sản phẩm khác phù hợp. Đồng thời, hoàn thiện lại cơ cấu ngành chủ lực của tỉnh để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét duyệt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ông Lê Thanh Triều nhận định, 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nền kinh tế tỉnh có bước phát triển rõ rệt và khá toàn diện; kinh tế nông nghiệp duy trì tốc độ cao; cơ cấu giống cây trồng vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, tuy nhiên vẫn chưa toàn diện. Tới đây, ngành phải tập trung mọi nguồn lực để tái cơ cấu một cách toàn diện nhất.

Theo PGS-TS. Nguyễn Chí Hải, Trường Đại học Kinh tế – Luật TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau cần linh hoạt đầu tư mở rộng nhưng có trọng tâm, gắn với xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, nông nghiệp phải gắn với dịch vụ để tăng giá trị sản phẩm, bởi hiện nay đa số là sản phẩm thô. Phải gắn kết các sản phẩm với du lịch, liên kết vùng, nâng cao chất lượng dân trí, tay nghề, kỹ thuật của người dân địa phương. Có như vậy mới phát huy hiệu quả.

Gợi mở hướng phát triển mới cho tỉnh Cà Mau, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu: “Rõ ràng, từ năm 2013 trở lại đây, diện tích nuôi trồng thủy sản không tăng. Do vậy, muốn tăng sản lượng phải dựa vào tăng năng suất và phát triển mở rộng thêm các mô hình nuôi cá đặc sản Cà Mau. Tuy nhiên, quan trọng là cần phải tạo sự khác biệt cho từng sản phẩm”. Chia sẻ về định hướng cho cây lúa, kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: “Tới đây, ngành sẽ tổ chức lại sản xuất và lấy các hợp tác xã làm nền tảng để liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Sản xuất theo đơn đặt hàng, xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu của doanh nghiệp gắn với việc truy xuất nguồn gốc”.

Theo ông Đoàn Thanh Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề quan trọng hiện nay là phải tính toán tăng tỷ trọng của ngành Nông nghiệp. Sản phẩm chủ lực phải có lợi thế xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững và đặc biệt là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

8 giải pháp được tỉnh đề ra nhằm tiếp tục thực hiện Đề án trong thời gian tới. Trong đó, tập trung rà soát kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án; xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu 4 ngành hàng chủ lực của tỉnh, theo 4 nội dung: Hợp tác – liên kết – thương hiệu – thị trường. Về thủy sản, tập trung sản xuất các đối tượng nuôi chủ lực; tiếp tục đa dạng hóa các đối tượng và phương pháp nuôi, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại sản xuất theo hướng khai thác thủy sản xa bờ, giảm khai thác thủy sản ven bờ.

Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đối với ngành hàng lúa chất lượng cao và chuối. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển cánh đồng lớn, trồng lúa an toàn, lúa hữu cơ; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về trồng trọt. Tập trung phát triển trồng rừng thâm canh cây tràm, cây keo lai; tăng cường khôi phục rừng phòng hộ ven biển chống sạt lở. Nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp; thực hiện tốt mục tiêu tạo việc làm phù hợp với nhu cầu thị trường lao động…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị các ngành, các cấp, địa phương tập trung rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh trong việc rà soát hoàn chỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch để thực hiện đạt được mục tiêu của Đề án; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án, nhất là lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình khác vào thực hiện Đề án; tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất, nhất là việc sản xuất các sản phẩm chủ lực của Đề án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *