Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Lộ giao thông thông thoáng trên địa bàn huyện Thới Bình.

Chuyển biến trong thực hiện các tiêu chí

Hiệu quả thể hiện rõ nhất trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là việc thực hiện tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất. Ông Lý Minh Vững, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất được các xã tập trung thực hiện qua các phần việc: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ độc canh cây lúa, trồng mía sang trồng màu, nuôi trồng thủy sản, cấy lúa trên đất nuôi tôm và xen canh tôm càng xanh… Nhiều địa phương đã thực hiện sản xuất chuyển từ tự phát sang liên kết sản xuất có kế hoạch, tổ chức sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường. Đối với cây lúa, huyện vận động và định hướng nông dân sản xuất theo mô hình lúa sạch, lúa hữu cơ, liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh đến đầu tư bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại xã Trí Lực, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hàng nông sản và lợi nhuận cho nông dân. Tất cả nhằm đẩy nhanh công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong 10 tháng qua, ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất tập trung, kết hợp với hỗ trợ xây dựng mô hình điểm và có liên kết bao tiêu sản phẩm. Đến nay, đã có Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất lúa – tôm Trí Lực được cấp giấy chứng nhận lúa sạch, lúa hữu cơ. Đây là HTX tiêu biểu trong đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về trồng lúa, nuôi tôm chất lượng cao. Ước bình quân đạt mức lãi hơn 30 triệu đồng/ha/vụ lúa và diện tích lúa hữu cơ nơi này tăng theo hằng năm: Năm 2018 sản xuất 40ha, năm 2019 và năm 2020 hơn 300ha.

Quá trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện, xã được thực hiện thông qua các hoạt động: Chuyển đổi cơ cấu giống, tổ chức lại sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết đầu ra cho lúa và huyện cũng đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa cho nông dân… Nhìn chung, các hoạt động này đều được gắn với các tiêu chí NTM, NTM nâng cao: Giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân tham quan mô hình lúa – tôm càng xanh tại ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực.

Kết hợp hai mục tiêu

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Thới Bình là xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng và đạt hiệu quả cao, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của nông dân nông thôn. Trong đó có phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững… Đây là những định hướng quan trọng trong việc kết hợp giữa hai mục tiêu là tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM ở địa phương trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất lúa – tôm Trí Lực, cho biết: “Chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản tại HTX trong thời gian qua phát huy hiệu quả, đất đai được liên kết, gieo sạ đồng loạt, cùng loại giống, phân bón thuốc trừ sâu được đầu tư trả chậm… Do đó, khâu tổ chức sản xuất tại HTX ngày càng được nâng cao, chất lượng lúa đạt yêu cầu”. Trước đây, ông Trần Văn Thiệt (Ấp 5, xã Trí Lực) sản xuất lúa – tôm nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình, thu nhập bình quân từ lúa – tôm trên diện tích 1,5ha chỉ đạt gần 80 triệu đồng/năm. Từ năm 2017 đến nay, ông vào HTX dịch vụ sản xuất lúa tôm Trí Lực, trồng lúa giống ST24 và được Công ty Tấn Vương, tỉnh An Giang đầu tư phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, sản xuất theo hướng lúa sạch, lúa hữu cơ và được công ty bao tiêu sản phẩm, giá lúa cao hơn lúa thường tại địa phương từ 1.300 – 1.500 đồng/kg, bình quân thu nhập gia đình đạt hơn 120 triệu đồng/năm, cao gấp gần 2 lần so với sản xuất truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ.

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân và NTM bền vững. Đến nay, huyện có 19 HTX, 59 tổ hợp tác với gần 700 thành viên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,03%, thu nhập bình quân đầu người ước đến cuối năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, đã có 8/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Cấy lúa trên đất nuôi tôm.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Thời gian tới, huyện tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Đồng thời, rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi, nhằm phục vụ công tác tưới tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đảm bảo trong nhu cầu vận chuyển nông sản hàng hóa của bà con nông dân. Khuyến khích, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức theo hướng nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, phù hợp với thổ nhưỡng”.  

Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân được huyện xác định là khâu then chốt trong hoàn thành các tiêu chí NTM. Vì vậy, các địa phương đã và đang lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Mỗi xã cũng đã chọn những cây trồng, vật nuôi và ngành nghề có triển vọng để xây dựng mô hình đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Hiện nay, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, dự án nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Khi thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đời sống được cải thiện, người dân mới có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho xây dựng NTM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *