Tai nạn điện: Còn đó nỗi lo

Vẫn còn nhiều nhức nhối

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 15 trường hợp tai nạn điện, làm 11 người chết, 5 người bị thương (so với năm 2017 giảm 7 trường hợp, giảm 8 người chết). Điển hình như huyện Cái Nước, từ đầu năm đến nay xảy ra 3 trường hợp làm cho 1 người chết, 3 người bị thương (năm 2017: 6 vụ, 5 người chết, 1 bị thương). Huyện Trần Văn Thời lại tăng 3 trường hợp, 3 người chết (2017: 1 vụ, 1 người chết)…

Nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn điện thương tâm là do một bộ phận người dân còn xem thường cảnh báo, sử dụng đường dây, thiết bị điện không an toàn, bất cẩn trong sử dụng điện. Ông Trần Văn Chính (ấp Đông Mỹ, huyện Cái Nước) bị điện giật bỏng toàn thân, khi đang cùng thợ thi công nhà. Ông Chính kể lại: “Lúc leo nóc nhà, do sơ ý làm ngã thanh sắt vào dây điện cao thế, bị hút, làm cho anh Nguyễn Vũ Linh là thợ hồ rơi xuống đất. Còn tôi bị kẹt lại trên nóc nhà, mọi người lo sơ cứu cho anh Linh, không hay tôi kẹt lại trên nóc. Rất may là do trước đó trạm điện có gắn cầu dao chống giật nên khi tôi bị điện giật, cầu dao tự động ngắt, tôi mới may mắn giữ được tính mạng, nhưng giờ yếu lắm”.

Đôi tay của anh Yên bị tàn phế hoàn toàn. 31 tuổi, cánh cửa tương lai đang dần khép lại với anh.

Hay trường hợp của anh Nguyễn Văn Yên (31 tuổi, ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước). Dịp cuối năm, ai cũng tất bật trang hoàng nhà cửa đón tết, anh Yên cũng tranh thủ làm cho xong ngôi nhà để có tiền sắm quần áo mới cho hai con nhỏ. Nhưng vào ngày 24 tết, trong lúc anh đang kéo sắt lên nóc để làm gấp phần việc còn dang dở thì anh bị điện cao thế phóng, làm phỏng hai tay. Dù được người nhà đưa đi TP. Hồ Chí Minh điều trị, nhưng vết thương quá nặng nên đôi tay anh không còn giữ được nữa.

Anh Yên nhớ lại: “Biết là gần điện cao thế, tôi cũng sợ nguy hiểm nên cố tình đứng ra xa đường dây, nhưng không ngờ điện hút thanh sắt mạnh như vậy. May mắn là tôi không rơi xuống đất, chứ rớt xuống đống đá chắc mạng cũng không còn. Giờ đôi tay không còn làm gì được nữa, thêm gánh nặng cho gia đình”.

Anh Yên là lao động chính trong gia đình, đứa con lớn mới 9 tuổi, bé nhỏ mới tròn 4 tuổi. Nhà nghèo, anh còn nuôi cha mẹ già, từ ngày anh bị nạn, cha anh phải đi làm hồ để kiếm tiền điều trị cho anh. Mẹ anh hằng ngày đi đặt cái lú để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Chị Lê Thị Ngân – vợ anh, không cầm được nước mắt khi kể về những ngày qua, giờ một nách 2 con nhỏ, phần phải lo cơm nước cho anh nên không làm thêm được gì để tăng thu nhập. Cuộc sống phía trước của gia đình anh Yên đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đó là những trường hợp may mắn thoát được “lưỡi hái tử thần” nhưng cũng không ít trường hợp tử nạn do chính sự chủ quan của mình gây ra. Đó là trường hợp của nạn nhân Nguyễn Quốc Phong (ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau), là chủ cơ sở nuôi tôm siêu thâm canh. Do đường dây điện bị hư, ông Phong ra phía sau nhà để sửa điện nhưng không ngắt cầu dao tổng. Kết quả, ông bị điện giật chết ngay tại chỗ.

Đi tìm giải pháp căn cơ

Trong 15 vụ tai nạn điện, đã có tới 5 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, 6 vụ do bất cẩn trong sinh hoạt, 3 vụ do sử dụng điện không an toàn trong nuôi tôm công nghiệp. Điều đó cho thấy, những vụ tai nạn xảy ra đa phần do sự chủ quan của người sử dụng điện.

Ông Ngô Minh Quyền, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng huyện Cái Nước, cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn điện trong dân là do sử dụng điện không an toàn, tự câu kéo điện chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, các hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ câu kéo điện sử dụng theo mùa vụ, làm sao cho ít tốn chi phí nhất, chứ không quan tâm đến an toàn”.

Người dân tự ý kéo điện, đấu nối không đúng quy định, dẫn đến tai nạn điện.

Ông Quyền cũng cho biết thêm, từ đầu năm, qua rà soát, toàn huyện còn hơn 2.781 hộ còn sử dụng điện chia hơi. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện chia hơi cao nhất của tỉnh. Để giảm tỷ lệ tai nạn về điện cho người dân khi sử dụng điện chia hơi, từ đây đến cuối năm sẽ lắp đặt điện kế cho 605 hộ. Hiện Phòng đang cắm mốc bàn giao 9 tuyến và lắp đặt 202 điện kế hồ cho các hộ dân. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đầu tư thêm 16 tuyến với 467 hộ sẽ có điện Quốc gia sử dụng. Như thế, với lộ trình này, chỉ trong 2 năm nữa, Cái Nước cơ bản sẽ không còn hộ sử dụng điện chia hơi.

Ngoài nỗ lực của ngành chuyên môn, một thực tế ghi nhận được là hiện nay đa phần bà con còn quá chủ quan trong cách phòng tráng tai nạn điện và bảo vệ chính mình; lơ là trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn của ngành điện lực. Ai cũng biết trên thị trường có bán loại cầu dao chống giật, công dụng của cầu dao này là hạn chế thấp nhất tai nạn điện xảy ra. Nhưng qua điều tra, khảo sát, đa số người dân chưa trang bị cho gia đình mình loại cầu dao hữu ích này.

Theo anh Liêu Chí Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thới, huyện Cái Nước: “Không biết bà con nghe thông tin ở đâu, rằng cầu dao tự động này chỉ xài được vài lần thì không còn tác dụng nữa, nên họ không trang bị, vì cho là phí”.

Trước những lắng lo của người dân. Thiết nghĩ, ngành điện lực nên có động thái tích cực để cùng với chính quyền địa phương tháo gỡ những vướng mắc. Đồng thời, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về cách sử dụng điện an toàn. Trên tất cả, để giảm các vụ tai nạn điện trong dân, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân trong việc sử dụng điện an toàn, tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *