Tam Đảo – phố núi sương mù

Ngắm lâu đài từ Quán Gió.

Giữa mùa nắng nóng, nếu ở Hà Nội nhiệt độ trên đường phố lên tới 40 – 410C, thì cách đó chừng 80km, ở phố núi Tam Đảo, nhiệt độ trung bình chỉ 18 – 200C. Người dân ở đây quen gọi là “Phố núi mây mù”, vì quanh năm sương mù bao phủ; còn khách du lịch khắp nơi đổ về gọi là “Thiên đường tránh nóng” mùa hè.

Quán Gió Tam Đảo.

Khác với thời tiết se se mát lạnh ở Đà Lạt, hoặc cái giá cóng tay ở Sa Pa, thời tiết ở phố núi Tam Đảo quanh năm mát mẻ, một ngày thời tiết thay đổi bốn mùa xuân – hạ – thu – đông. Nếu buổi sáng sương xuống đẫm đường, ướt mặt người, thì gần trưa nắng như mùa hè; khi hoàng hôn buông xuống, cái lạnh hun hút len lỏi vào da thịt. Trước khi những ngôi nhà cổ kính lên đèn, toàn bộ phố núi là mùa đông với màn sương mù dày đặc, nhưng không tê cóng.

Phố núi Tam Đảo. Giới trẻ “tự sướng” cùng với mây ngàn.

Phố núi Tam Đảo không xô bồ náo nhiệt, mà tĩnh lặng và trầm mặc. Nhâm nhi ly cà phê đắng, hoặc uống trà xanh trên đỉnh đồi trong Quán Gió, phóng tầm mắt về xa nơi có lâu đài tự tháp hoặc đền Bà Chúa Thượng Ngàn ẩn dưới rừng thông, hay ngắm mây ngàn bay – tất cả ưu phiền tan biến hết, chỉ còn lại niềm cảm hứng vô bờ với phố núi. Sau khi đùa giỡn với mây, ngắm rừng thông trên đỉnh núi, khách tản bộ xuống Quảng trường Tam Đảo, hòa mình vào dòng người bản xứ, hoặc nép mình bên bức tường đá ngắm nhà thờ cổ kính nhất xứ này.

Tam Đảo không quá rộng, nhưng cũng đủ điểm du lịch hấp dẫn để khách thập phương thưởng ngoạn. Đó là tháp truyền hình nằm ở độ cao 1.375m trên đỉnh Thiên Nhị, để lên được đây bạn phải vượt qua gần 1.400 bậc đá; là nhà thờ đá cổ được xây dựng năm 1906 ngay đường lên núi Thiên Nhị. Đó là Thác Bạc nằm ẩn mình sâu trong lòng núi rừng; là Đền Bà Chúa Thượng Ngàn – khu khu lịch tâm linh đặc biệt mà không ai có thể bỏ qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *