Tăng cường nhân lực, thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng

Các đơn vị quản lý rừng tăng cường nhân lực túc trực, tuần tra, luồn rừng.

Tại các diện tích có rừng do xã quản lý, ngoài lực lượng hiện có, kiểm lâm địa bàn còn phối hợp với các ngành thành lập lực lượng ứng trực, túc trực 24/24 giờ để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng. Ông Võ Minh Cảnh, cán bộ Kiểm lâm xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: “Ngay từ đầu mùa khô, lực lượng công an, dân quân tự vệ cùng với kiểm lâm đã thành lập những tổ cơ động. Những tổ này có sẵn máy bơm, phương tiện, để sẵn sàng đối phó”.

Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp U Minh Hạ quản lý hơn 19.000ha rừng. Tuy nhiên, số lượng nhân viên của công ty hiện tại không đủ để túc trực tại các điểm nóng có rừng bị khô hạn. Chính vì vậy, công ty ký hợp đồng thời vụ với hơn 40 lao động. Lực lượng này sẽ cùng với nhân viên công ty và người dân nhận khoán đất rừng thay phiên nhau túc trực trong công tác PCCCR”.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: “Những người mà công ty ký hợp đồng thời vụ rất rành về công tác phòng chống cháy. Bởi họ đã làm việc với công ty nhiều mùa khô đã qua. Với lực lượng như hiện nay, tại các chòi canh lửa lúc nào cũng có người trực”.

Ngoài chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, theo các đơn vị quản lý rừng, chưa năm nào trang thiết bị máy móc lại được đầu tư đồng bộ và nhiều như năm nay. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bố trí 18 tổ máy túc trực tại các khu vực trọng điểm với 40 máy chữa cháy, trong đó có 30 máy công suất lớn và 10 máy phao, hàng ngàn mét ống. Ngoài ra, còn có 29 bộ vỏ máy cơ động, bố trí đều khắp tại các liên tiểu khu trên địa bàn phục vụ cho công tác tuần tra, luồn rừng. Công ty cũng mới trang bị thêm 2 xe tải chở máy bơm cơ động, bổ sung cho các khu vực có lộ giao thông đi qua khu vực lâm phần.

Năm nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bố trí 18 tổ máy, với 40 máy bơm trải đều trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh, để kịp thời thông tin liên lạc cho nhau về công tác PCCCR, hiện nay, công ty đưa vào khai thác 3 tổng đài chuyển mạch bộ đàm với 51 máy bộ đàm cầm tay, bố trí tại các liên tiểu khu, và Ban Giám đốc công ty. Khi có cháy xảy ra, đây sẽ là phương tiện thông tin liên lạc, nhanh chóng, hiệu quả để huy động lực lượng tham gia vào công tác chữa cháy rừng.

Ông Trần Văn Hiếu cho biết thêm: “Công ty đầu tư rất hoàn chỉnh từ phương tiện máy móc, thông tin liên lạc, phương tiện vận chuyển. Đây là năm công ty đầu tư nhiều nhất về máy móc thiết bị phục vụ công tác PCCCR. Tức là công ty điều chỉnh phù hợp với tình hình thời tiết. Nhất là như mùa khô năm nay thì làm sao cho nó phù hợp, đảm bảo không xảy ra cháy rừng. Nếu có thì cũng có đủ nhân lực, phương tiện xử lý nhanh nhất, gọn nhất”.

Hiện nay, diện tích rừng tràm trên địa bàn huyện U Minh đều ở cấp dự báo cháy cấp IV, cấp nguy hiểm và cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Với sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực và trang thiết bị, hy vọng rằng, công tác PCCCR mùa khô 2019 – 2020 tiếp tục sẽ đạt được kết quả như mong đợi, rừng tràm U Minh Hạ sẽ được bảo vệ an toàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *