Tăng tốc OCOP

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh; thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và Tổ Tư vấn giúp việc của Hội đồng tỉnh; UBND các huyện, TP. Cà Mau đẩy nhanh tiến độ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND các huyện, TP. Cà Mau rà soát, chỉ đạo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện khẩn trương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, để tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong tháng 11 này.

Sẽ thực hiện thí điểm mỗi huyện 1 sản phẩm để làm mẫu cho các địa phương làm cơ sở thực hiện: HTX Nông nghiệp và Thủy sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau); HTX Dịch vụ sản xuất lúa – tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình); HTX Bồn bồn Đông Hưng (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước)…

Các địa phương chủ động

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện thí điểm phát triển sản phẩm trên địa bàn (theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện…) hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm. Riêng UBND huyện U Minh, Thới Bình, Phú Tân, chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định trước khi trình Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá; tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để được tư vấn, hướng dẫn quy trình, thủ tục đánh giá sản phẩm theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần, nhằm hỗ trợ các chủ thể tiềm năng phát triển sản phẩm, tạo ra sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.

Các sở, ngành, đoàn thể có liên quan chủ động rà soát các nội dung, nhiệm vụ được giao, tiến độ thực hiện, các công việc chưa thực hiện, khó khăn, vướng mắc có liên quan… Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ (sắp xếp nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên), nhằm hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình trên địa bàn tỉnh năm 2020 theo kế hoạch.

Đơn vị chủ công, Sở NN&PTNT tỉnh, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể cải tiến quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại…. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giúp các chủ thể phát triển sản phẩm hoàn thành Chương trình. Hỗ trợ, tư vấn Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm; hướng dẫn trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ sản phẩm OCOP cấp huyện; chuyển hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm của cấp huyện cho Tổ Tư vấn giúp việc Hội đồng để kiểm tra, chấm điểm sơ bộ sản phẩm; hoàn thiện hồ sơ, tham mưu Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chuẩn bị các nội dung, xây dựng kịch bản và các điều kiện cần thiết khác, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, phê duyệt trước ngày 15/11; tham mưu tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong tháng 11/2020. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện; thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

Đoàn thể các cấp đang khẩn trương hoàn thiện mô hình đảm trách, giữ vững sản phẩm trong danh sách sản phẩm OCOP.

33 sản phẩm đưa vào đánh giá OCOP cấp huyện

Kết quả qua rà soát, khảo sát thực trạng sản phẩm và chủ thể tham gia chương trình OCOP năm 2020 của Sở NN&PTNT, đến tháng 10, trên địa bàn tỉnh có 25 chủ thể với 33 sản phẩm dự kiến tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.

Sở NN&PTNT đã tổ chức 11 lớp đào tạo, tập huấn với 364 lượt người tham dự cho cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể tiềm năng nắm những quy trình, trình tự, thủ tục, hướng dẫn cụ thể các bước triển khai thực hiện Chương trình OCOP, lập hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, thuê Công ty TNHH Công nghệ NhoNho thực hiện thí điểm mỗi huyện 1 sản phẩm để làm mẫu cho các địa phương làm cơ sở thực hiện: Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Thủy sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau); HTX Dịch vụ sản xuất lúa – tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình); HTX bồn bồn Đông Hưng (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước); HTX nuôi cua Tân Hiệp Phát (xã Lâm Hải, huyện Năm Căn); HTX Hưng Hiệp Tiến (xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân); Cơ sở sản xuất khô cá bổi Tư Hùng (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời); Cơ sở sản xuất chả cá phi Bảy Thơ (xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi); Cơ sở sản xuất chuối sấy dẻo Minh Quân (xã Khánh Thuận, huyện U Minh); Cơ sở sản xuất đũa đước Chí Nguyện (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển).

Đơn vị thực hiện thí điểm tập trung hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP theo quy định để tham gia chấm điểm, công nhận sản phẩm OCOP năm 2020; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm: Ghi nhãn, kiểu dáng bao bì, truy xuất nguồn gốc, câu chuyện sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên kết, xây dựng website… để nâng hạng trong năm 2021; hỗ trợ xúc tiến thương mại, hướng dẫn các thủ tục và trình tự đăng ký tham gia các hội chợ, đưa hàng vào các siêu thị…

Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm của các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP (hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ liên quan; xây dựng mẫu mã bao bì, nhãn mác, bảo vệ môi trường…) để sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của Trung ương quy định và yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Với sự chủ động kỳ quyết, tin rằng các sản phẩm đưa vào OCOP sẽ trụ vững và sẽ có tên trong quyết định công nhận năm nay của tỉnh và trở thành động lực kinh tế của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *