Tạo mọi điều kiện để trẻ khuyết tật được học tập bình đẳng

Công tác giáo dục trẻ khuyết tật ngày càng được quan tâm.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, công tác giáo dục trẻ khuyết tật đạt được những thành quả quan trọng về nhiều mặt. Mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cho giáo dục trẻ khuyết tật được hình thành và đang phát triển. Các chương trình giáo dục trẻ khuyết tật được xây dựng và triển khai thực hiện, cùng với các phương thức phù hợp đang ngày càng được áp dụng rộng rãi. Số trẻ khuyết tật đi học ngày càng tăng. Theo đó, tạo mọi điều kiện để trẻ khuyết tật được học tập bình đẳng.

Các em học sinh khiếm thính được cô giáo luyện nghe.

Toàn tỉnh có 104 học sinh khuyết tật học hòa nhập ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Riêng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh có 11 lớp, với 86 em đều là học sinh khiếm thính; đội ngũ giáo viên tại trường có thâm niên trong nghề, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng giảng dạy tốt. Nhà trường đã thực hiện khá tốt việc nuôi dưỡng, đảm bảo tốt chế độ dinh dưỡng cho các em, tất cả các em đều được ở trong ký túc xá với phòng học khang trang, sạch sẽ và đủ vật dụng cần thiết; có đầy đủ các phòng chức năng và thực hiện giảng dạy theo chương trình có điều chỉnh theo đặc điểm riêng của trường, phù hợp với loại hình trường chuyên biệt. Học sinh học kiến thức, kỹ năng phù hợp với đối tượng, được giáo dục kỹ năng sống, được học văn hóa, học nghề để hòa nhập cộng đồng. Dưới sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực trong công tác của tập thể cán bộ, giáo viên, trường thực sự là ngôi nhà ấm áp, tràn ngập tình thương, là nơi chắp cánh tương lai cho những trẻ khuyết tật.

Những kết quả đáng trân trọng của công tác giáo dục trẻ khuyết tật đã góp phần phá vỡ rào cản, tạo điều kiện cho một bộ phận trẻ khuyết tật trên địa bàn được học, hòa nhập để đảm bảo sự phát triển. Đồng thời tạo được niềm tin cho cha mẹ trẻ khuyết tật và xã hội về năng lực và chất lượng chuyên môn giáo dục hòa nhập tại trường.

Không chỉ giúp các em trang bị kiến thức văn hóa, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh còn là ngôi nhà ấm áp, tràn ngập tình thương, là nơi chắp cánh tương lai cho trẻ khuyết tật.

Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp không ít khó khăn. Đó là tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc giáo dục trẻ khuyết tật và khả năng phát triển của trẻ khuyết tật khi được giáo dục. Các cơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chủ yếu tiếp nhận trẻ khuyết tật nhẹ và trung bình, còn trẻ khuyết tật nặng và trẻ khuyết tật ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa thì chưa có nhiều cơ hội đến trường. Công tác giáo dục trẻ khuyết tật chủ yếu chỉ tập trung ở trung tâm TP. Cà Mau nên chưa hình thành mạng lưới hỗ trợ trẻ khuyết tật.

Từng bước khắc phục, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và cộng đồng về nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các trường điều chỉnh nội dung, chương trình giáo dục và dạy học phù hợp với khả năng học tập đa dạng của trẻ khuyết tật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khuyết tật học hòa nhập. Tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt, sử dụng các phương pháp dạy học đặc thù phù hợp, tăng cường các kỹ năng cơ bản với trẻ khuyết tật. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực là giáo viên có khả năng dạy trẻ khuyết tật, cần có sự giúp đỡ của các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, các tổ chức xã hội và cả cộng đồng để đảm bảo cho trẻ khuyết tật có quyền hưởng nền giáo dục có chất lượng cao, bình đẳng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *