Tạo sức lan tỏa từ những tấm gương tiêu biểu

Học Bác không phải điều gì cao xa

Nhiệt tình, trách nhiệm và gần gũi với nhân dân là những điều chúng tôi cảm nhận được qua tiếp xúc, trò chuyện với ông Phạm Chí Công, đảng viên Chi bộ ấp Cái Giếng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước). Ông cho biết: “Cuộc vận động càng giúp tôi hiểu Bác sâu sắc hơn, càng thấy Bác thật vĩ đại. Tôi thấy học Bác đã khó nhưng làm theo Bác lại càng khó hơn. Tôi học ở Bác nhiều điều, nhưng tâm đắc nhất là học Bác ở tính cần kiệm, giản dị, thương người. Tấm gương của Bác chính là “cái nhân, cái lõi” đầy sức mạnh để thu hút, tập hợp nhân dân. Học theo Bác không phải điều gì cao xa cả, chính là “cần, kiệm, liêm, chính” và lối sống giản dị, hết mực yêu thương, đùm bọc nhau…”.

68 năm tuổi đời, 42 năm tuổi Đảng, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng khi nhắc đến công việc của mình, mắt ông ngời sáng và kể lại với vẻ đầy tự hào: “Muốn thành công trong công tác Mặt trận, người cán bộ phải thực sự nắm vững chức năng, nhiệm vụ, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, tận tâm, tận lực với công việc, gắn bó với cơ sở, gần gũi với nhân dân và quan trọng hơn cả là phải thực sự yêu nghề. Và để làm được điều này, tôi đã lấy tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời, phong cách chuẩn mực của Bác để soi rọi vào suy nghĩ và hành động của bản thân; là chuẩn mực, là tiêu chí rèn luyện, phấn đấu vươn lên”.

Có nhiều năm trên cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Hưng, ông Công không chỉ là cán bộ, đảng viên gương mẫu mà trong gia đình ông còn là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Ba người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Đối với bà con địa phương, ông Công còn được biết đến là nông dân sản xuất giỏi. Ban đầu ông chỉ có 0,5ha đất ruộng nhưng nhờ linh hoạt, biết tính toán, cần cù, siêng năng trong lao động, đến nay ông có hơn 3ha đất sản xuất, nhà cửa khang trang, là tấm gương sáng cho bà con nhân dân noi theo. Ông Công cho biết thêm: “Là địa phương thuần nông, bà con xã Tân Hưng cần mẫn, chịu thương chịu khó, trọng lý, trọng tình. Vì vậy, muốn vận động được nhân dân, là một đảng viên, tôi luôn xác định phải hết sức gần gũi bà con, nói có lý, có tình, không áp đặt; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để cùng nhau trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc những chỗ còn chưa hiểu thấu đáo để đi đến cái đích cuối cùng, đó là hiệu quả công việc”.

Hiện nay, ông Công còn góp sức cùng với chính quyền địa phương tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông giúp bà con trồng hàng rào cây xanh. Những tuyến lộ giao thông nào bị hư hỏng, bản thân ông tự bỏ tiền ra mua vật liệu sửa chữa đường; thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, động viên hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Với những đóng góp của mình, ông vinh dự nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Mô hình phụ nữ giúp nhau mua Bảo hiểm y tế của Chi hội Phụ nữ ấp Hàng Còng (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi), thể hiện nét đẹp tương thân tương ái của phụ nữ Việt Nam.

Mô hình hay

Với mô hình mua Bảo hiểm y tế (BHYT) từ khoản tiết kiệm mỗi tháng 50.000 đồng, nhiều hội viên phụ nữ ấp Hàng Còng (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) giờ đây có thể yên tâm nếu chẳng may bị bệnh. Lợi ích này có được chính là nhờ chị em đã tham gia Tổ Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT vì sức khỏe gia đình. Sau thời gian tích cực tuyên truyền, vận động, nhiều chị em đã tự nguyện tham gia các tổ tiết kiệm do Chi hội Phụ nữ phát động. 90 hội viên ấp Hàng Còng đều tham gia các tổ hùn tiền mua BHYT. Với mức đóng góp từ 50 – 100 ngàn đồng/tháng để mua BHYT. Từ đó, các Tổ Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT đi vào hoạt động nền nếp. Chị Hà Ngọc Tình, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Hàng Còng, cho biết thêm: “Với mô hình này, chúng tôi họp tổ đều đặn hàng tháng, vừa để đóng tiền vừa là dịp để chị em sinh hoạt định kỳ, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống. Trong tháng đó, những trường hợp cần thẻ BHYT nhất sẽ được ưu tiên mua trước, nên người có hoàn cảnh khó khăn sẽ không mặc cảm và hoàn toàn yên tâm tham gia”. Chị Nguyễn Thị Điệp chia sẻ: “Nhà tôi có 4 người, gia đình còn nhiều khó khăn nên không dám bỏ tiền mua BHYT. Được giúp đỡ, tôi mua BHYT cho cả gia đình. Có bảo hiểm, vợ chồng, con cái rất an tâm”.

Theo ông Phạm Chí Công, đảng viên ấp Cái Giếng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước), học tập Bác là học tập lối sống giản dị, tiết kiệm, hết mực yêu thương, đùm bọc nhau.

Từ hiệu quả mô hình tại ấp Hàng Còng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tạ An Khương đã tập trung chỉ đạo nhân rộng thành lập các tổ phụ nữ tiết kiệm mua BHYT vì sức khỏe gia đình. Việc thành lập tổ theo phương châm “tiết kiệm khi lành, để dành khi đau” trở thành một phong trào sôi nổi của Hội Liên hiệp Phụ nữ, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và góp phần hoàn thành tiêu chí BHYT trong xây dựng xã nông thôn mới ở Tạ An Khương.

Theo bà Trần Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tạ An Khương, để tạo sức lan tỏa trong thực hiện Chỉ thị 05, các cấp hội phụ nữ xã Tạ An Khương luôn chú trọng việc nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, biểu dương những tấm gương điển hình trong học và làm theo Bác. Mô hình phụ nữ giúp nhau mua BHYT của Chi hội Phụ nữ ấp Hàng Còng thể hiện nét đẹp tương thân tương ái của phụ nữ Việt Nam. Qua các mô hình này đã huy động được nhiều nguồn lực giúp đỡ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, thông qua mô hình đã quan tâm gắn kết thành viên, hỗ trợ thành viên khó khăn, tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện… Hoạt động cụ thể, thiết thực này đã tạo được những hiệu ứng tích cực, dần dần “thấm” vào suy nghĩ, hành động của nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thay đổi nhận thức và xây dựng được nhiều hành vi đẹp trong cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *