Tập hợp ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, gồm: Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030. Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, nhiệm kỳ Đại hội XII.

Qua nghiên cứu, hầu hết ý kiến nhất trí với các dự thảo văn bản, cho rằng các văn bản dự thảo được chuẩn bị công phu, khoa học; nội dung các văn kiện thể hiện tính khái quát cao, nhất quán về quan điểm đánh giá, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, đánh giá khách quan về kết quả đạt được và những mặt hạn chế, yếu kém, xác định rõ nguyên nhân, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm tới thể hiện tính chiến đấu cao, sát với tình hình, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy gợi ý đóng góp và có nhiều ý kiến đề xuất vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII.

Lựa chọn định hướng phát triển và điều chỉnh chỉ tiêu

Đối với 2 phương án của mục tiêu cụ thể phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, 2045, hầu hết ý kiến tán thành phương án 1, vì phương án này phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Nội dung, đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Ý kiến cho rằng, chỉ tiêu về kinh tế đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 – 5.000 USD là khó thực hiện, vì hiện nay tác động biến đổi của khí hậu, thiên tai, các dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống thu nhập của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên đặt mục tiêu thấp hơn, khoảng 4.500USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 – 7%/năm, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 khoảng 4.700 – 5.000 USD.

Đối với chỉ tiêu về xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo 70% là cao, đề nghị điều chỉnh lại là 60%; cần tăng số lượng giường bệnh từ 30 giường bệnh/1 vạn dân lên 40 giường bệnh/1 vạn dân, nhằm đảm bảo hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Giai đoạn tới, đại biểu đề nghị tập trung phát triển kết cấu hạ tầng khu vực ĐBSCL; đưa nội dung đề xuất Chính phủ quan tâm đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Cảng biển Hòn Khoai, quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp Sân bay Cà Mau vào thực hiện sớm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng thời đề nghị tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chú trọng phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch, đa dạng hóa các hình thái du lịch (sinh thái, rừng, biển, nghỉ dưỡng…), kết nối vùng, tạo thành các tuyến du lịch…

Đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng tại phiên thảo luận tổ của Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh.

Bày tỏ băn khoăn, thảo luận đề xuất

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với lĩnh vực sản xuất chưa mang tính bền vững, đầu ra sản phẩm còn nhiều khó khăn; vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng còn khá phổ biến, khó kiểm soát; một số vụ việc vi phạm xử lý chưa kịp thời, tình hình an ninh trật tự, vận chuyển, mua bán ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp; khả năng dự báo nhu cầu hàng hóa còn hạn chế dẫn đến thường xuyên gặp trường hợp được mùa mất giá.

Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; đại biểu kiến nghị Trung ương cần nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng; đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế – xã hội; cần giảm tải chương trình giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, từng vùng miền, cắt giảm số tiết học hoặc một số môn không cần thiết, để học sinh có nhiều thời gian vui chơi, giải trí vì chương trình giáo dục hiện nay là quá tải, áp lực lớn đối với học sinh, nhất là bậc tiểu học và trung học cơ sở; có giải pháp quản lý bậc đào tạo đại học, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm; phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Về 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, hầu hết ý kiến thống nhất và cho rằng nội dung của các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp đột phá là phù hợp và khả thi. Theo đó, đề xuất cần có hình thức xử lý nghiêm khắc, nhằm giáo dục, răn đe đối với các vụ án tham nhũng và triệt để thu hồi tài sản tham nhũng nộp ngân sách Nhà nước, vì đây là tài sản của nhân dân đóng góp; tăng cường các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, đề nghị nêu rõ hơn về “tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm”, vì đây là một trong những nguyên nhân gây ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Mỗi kỳ đại hội Đảng đều có điểm nhấn, tạo ấn tượng sâu đậm trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *