Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phòng, chống dịch COVID-19

Phiên họp tập trung trọng tâm vào 2 chuyên đề chính, gồm: Rà soát, giải quyết các vấn đề liên quan đến vốn đầu tư công; triển khai tiếp tục các công việc phòng, chống dịch COVID-19.

Phiên họp thực hiện nghiêm theo tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, tại điểm cầu của tỉnh đã tiến hành đồng thời 2 phòng họp trực tuyến, bởi phải bố trí đại biểu ngồi giãn cách. Ảnh: Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ rõ: “Qua con số báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tôi biết được nhiều nguồn vốn có tiến độ giải ngân cực kỳ thấp, thậm chí có nguồn chuyển từ năm 2019 sang, nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng nào. Cứ theo nguyên tắc, có tiến độ mà không thực hiện thủ tục giải ngân, đến khi kết thúc dự án thì chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà thầu. Không những chịu cắt vốn, mà chủ đầu tư còn phải chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Ông Nguyễn Tiến Hải còn nhắc lại việc phân công cán bộ phụ trách, theo dõi từng dự án, công trình trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân, dù người đứng đầu tỉnh đã nhiều lần nhắc nhở, tuy nhiên vẫn có một số ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm.

Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội tỉnh 7 tháng qua, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Trương Đăng Khoa cho biết kinh tế tỉnh đang trên đà phục hồi và phát triển, nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng so với tháng trước: Tổng sản lượng thủy sản tăng 1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 1,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 1,9%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới và thu hút đầu tư tăng; thu ngân sách đạt khá so với kế hoạch và tăng 14% so cùng kỳ; …  

Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn: Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm vẫn giảm so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch (39,3%), giảm 10% so cùng kỳ; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, đặc biệt là giải ngân vốn ODA, vốn Xổ số kiến thiết, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia; tai nạn giao thông tăng cao so với tháng trước;…

Chuyển nguồn, vẫn không giải ngân

Thông tin tại Hội nghị, ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho biết tính đến ngày 30/7, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 1.833,656 tỷ đồng, bằng 50,8% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đã giải ngân được 1.113,540 tỷ đồng, bằng 55,5% kế hoạch vốn; vốn ngân sách trung ương đã giải ngân 720,116 tỷ đồng, bằng 44,9% kế hoạch vốn.

Với kết quả trên, theo ông Khoa, đã có chuyển biến khá tích cực, đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL, chỉ sau Tiền Giang và Hậu Giang và đứng thứ 16 trong cả nước.

Tuy nhiên, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chuyển sang năm 2020 chỉ đạt 135,932 tỷ đồng, chỉ bằng 33% kế hoạch. Trong đó, đáng chú ý là nguồn từ ngân sách trung ương hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia chỉ đạt 26,1%; vốn ngân sách trung ương bổ sung ngoài kế hoạch được giao giải ngân đạt 26,3% kế hoạch…

Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ từ trung ương cho ứng phó thiên tai, dù mang tính cấp bách nhưng chậm được giải ngân vì nhiều lý do.

Từ thực tế thống kê của Sở KH&ĐT là đến ngày 14/7 thậm chí có những dự án chưa giải ngân được đồng nào, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng, như thế là không thể chấp nhận được.

Theo báo cáo của Sở này, một số nguồn vốn chưa giải ngân được như: Hỗ trợ duy tu, bão dưỡng các công trình sau đầu tư trên địa bàn các xã của huyện Thới Bình, Cái Nước, Ngọc Hiển; hỗ trợ đầu tư các công trình cơ bản xã Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển), xã Trí Phải (huyện Thới Bình); hỗ trợ thực hiện các đề án, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chỉ đạo…

Vướng giải phóng mặt bằng?

Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, hiện cấp tỉnh có 8 chủ đầu tư, cấp huyện và thành phố có 7 chủ đầu tư có tiến độ giải ngân thấp, mà nguyên nhân do vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, phải kể đến là các dự án đầu tư xây dựng: tuyến đường trục chính Đông – Tây tỉnh Cà Mau (đoạn từ Quốc lộ 1 đến cửa biển Gành Hào) và cầu qua sông Cái Nai (Khu kinh tế Năm Căn); cầu qua sông Tắc Thủ, TP. Cà Mau; cầu qua sông Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội, huyện U Minh; hệ thống thủy lợi Tiểu vùng II, III, V – Nam Cà Mau; Bệnh viện Lao và bệnh phổi; Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau…

Tuy nhiên, tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, ông Phan Hoàng Vũ khẳng định Dự án cầu qua sông Tắc Thủ không vướng giải phóng mặt bằng như báo cáo của chủ đầu tư.

Tại huyện Năm Căn, Chủ tịch UBND huyện, ông Tô Hoài Phương cũng khẳng định đã bàn giao mặt bằng, không còn ảnh hưởng gì đến thi công cầu qua sông Cái Nai (Khu kinh tế Năm Căn).

Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính Đông – Tây tỉnh, lãnh đạo huyện Đầm Dơi cho biết hiện chỉ vướng 4 hộ tại điểm cuối của tuyến đường tại xã Tân Thuận, không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án.

8 tháng, 6 lần trả hồ sơ

Khi được hỏi về lý do vì sao nguồn Xổ số kiến thiết đã được phân bổ ngay từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, cụ thể tại Trường THCS xã Lợi An, ông Lê Phong – Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời phải cần đến sự “trợ giúp” của ông Nguyễn Hoàng Huynh – Trưởng Ban Quản lý dự án của huyện.

Ông Huynh cho biết, nguyên nhân 8 tháng mới đấu thầu là do năng lực yếu kém trong việc lập hồ sơ của đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Xây dựng Ánh Hưng, bị Sở Xây Dựng trả lại đến 6 lần mới hoàn thiện.

Tuy nhiên, khi đi vào từng nội dung cụ thể thì ông Huynh cũng không thể trả lời được trước đề nghị của Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng cần có thời gian xem lại hồ sơ.

Thông tin lại về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Dư Minh Hùng cho biết nguyên nhân là do thiết kế không đúng chủ trương, ngoài dự án, tự ý điều chỉnh dự án… “Đơn vị tư vấn trình hồ sơ cho Sở, chứ không phải Chủ đầu tư; thậm chỉ hồ sơ giả mạo chữ ký”, ông Hùng nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải, các Chủ đầu tư thường khoán trắng cho đơn vị tư vấn trong thực hiện thủ tục dự án, chứng tỏ không đọc hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định.

“Trách nhiệm của Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đâu? Còn làm việc hay không?”, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh thực tế này là không thể chấp nhận được, phê bình trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng trong tiếp nhận hồ sơ dự án khi chưa đảm bảo theo yêu cầu, vì đây đã là quy trình thủ tục hành chính đã được quy định.

Kè bảo vệ Khu dân cư Tân Thuận chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân được xác định là do cách thực hiện dự án chưa chuẩn xác.

Trong 2 tuần mà không chuyển biến, xử lý trách nhiệm ngay!

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng, nhiều hạn chế, thiếu sót, khuyến điểm của Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án từ tỉnh đến huyện, các ngành và địa phương đã được chỉ ra. Đó thuộc về trách nhiệm trong chuyên môn là chính, cần rút kinh nghiệm hết sức nghiêm túc.

Ông Nguyễn Tiến Hải đề nghị thành lập các Tổ chuyên môn giúp việc cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách theo từng khối trong theo dõi, đôn đốc tất cả các dự án, từ lớn đến nhỏ. Thực hiện báo cáo hằng tuần, và nếu trong 2 tuần mà dự án nào không có chuyển biến trong giải ngân thì cần có biện pháp xử lý đối với Chủ đầu tư.

Bí thư Thành ủy, Huyện ủy cũng phải trực tiếp vào cuộc, giám sát, theo dõi tiến độ giải ngân các dự án. Ai lơ là, thiếu trách nhiệm, đề nghị xử lý theo thẩm quyền, cũng như làm cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ cuối năm.

“Chậm giải ngân, không những cắt vốn mà còn bị kiểm điểm trách nhiệm – đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau phải thực hiện nghiêm”, ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, đồng thời đề ra kỳ hạn là chậm nhất đến hết tháng 8, tiến độ giải ngân các dự án phải đạt 70%, trên tinh thần kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh mới vừa ban hành Công điện trong thực hiện các giải pháp, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong tỉnh không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và phải quyết tâm nỗ lực, cố gắng thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới với phương châm “Chặt chẽ, kịp thời, bình tĩnh”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *