Tay trắng dựng cơ nghiệp!

Ông Lê Thanh Nghiệp (người ngồi trên máy) và vợ vui mừng chia sẻ công việc làm ăn thuận lợi cùng bà con.

ÔNG CHỦ… CHÂN BÙN

Nhắc đến ông Lê Thành Nghiệp, người dân cố cựu trong xóm (Ấp 7, xã Khánh Lâm, U Minh) không ngớt lời khen ngợi: “Nhà thằng Nghiệp xưa nghèo lắm, anh em lại đông nên khi cưới vợ ra riêng nó lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Vậy mà giờ nhà nó đầy đủ tiện nghi, có máy cày, máy gặt đập liên hợp, thành ông chủ rồi…”.

Con đường đến với cuộc sống “ông chủ” của ông Lê Thành Nghiệp là cả quá trình dày công lao động. Sinh ra nơi miền quê U Minh nghèo khó, thời gian dài ông Nghiệp lăn lộn với nghề… làm thuê để mưu sinh. Lái máy cày thuê có được ít vốn, ông mua lại máy cày cũ của chủ. Sau 10 năm mới thoát khỏi cuộc sống ăn nhờ ở đậu, gia đình ông mua được 2,5ha đất canh tác.

Ông Lê Thành Nghiệp luôn trăn trở suy tính: Phải làm gì để thoát cảnh nghèo? Với tinh thần đó, qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm, mô hình vườn – ao – chuồng (VAC) của ông dần hình thành. Ngoài làm lúa 2 vụ, ông Nghiệp lập vườn và xây chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá đồng, nấu rượu bán và chăn nuôi heo, lắp đặt hệ thống biogas để phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Tổng thu nhập 380 triệu đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 250 triệu đồng/năm. Ông Lê Thành Nghiệp chia sẻ: “Nhờ thực hiện mô hình trên mà gia đình tôi khá giả, có điều kiện lo cho con vào đại học”.

Giờ gia đình ông Nghiệp đã có 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cày để phục vụ sản xuất cho bà con nông dân trong xã, tạo được việc làm theo mùa vụ cho 17 lao động. Đa phần người làm công đều có cuộc sống khó khăn, ngoài tiền công, ông Nghiệp còn cho mượn lúa, mượn tiền trang trải cuộc sống gia đình lúc túng thiếu. Ông Lê Văn Khách cho biết: “Nhờ ông Nghiệp giúp đỡ nhượng lại thùng suốt lúa mà đến nay gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn”.

Trưởng Ấp 7 – Trần Văn Ó cho biết: Với thu nhập 700 triệu đồng/năm, hộ ông Nghiệp là nhân tố tích cực tại địa phương trong thực hiện các phong trào cách mạng: Đóng góp các nguồn quỹ, hỗ trợ sửa chữa cầu đường… và góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Ba năm liền ông Nghiệp đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Tích cóp từ tiền bán trầu bao năm qua, giờ bà Liễu đã cất được nhà mới, trả lại sổ hộ nghèo.

LIÊN KẾT THOÁT NGHÈO

Từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, người dân ấp Đông Hưng (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) vô cùng phấn khởi khi hai vụ đầu cho thu hoạch khá. Nhiều hộ đã mượn vốn người thân và vay thêm ngân hàng để đầu tư, nhưng sau đó thì tôm chết kéo dài…

Trăn trở tìm hướng đi mới, một buổi tối tháng 7-2009, ông Chung Minh Đúng xem ti vi có thông tin một triệu phú quê miền Tây là chủ nhiều cửa hàng dưa bồn bồn ở Canada. Sáng ra, ông Đúng bàn bạc với các hộ lân cận: Thay vì giờ nuôi cá đồng bỏ mặt nước trống, chúng ta thử trồng bồn bồn xem sao. Bấy giờ có 4 hộ trồng, với diện tích trên 3ha. Kết quả mỗi hecta bồn bồn thu trên 7 triệu đồng/tháng, cá bổi thu 5 triệu đồng/ha/vụ.

Sau khi được tập huấn về kỹ thuật nuôi cá đồng, kỹ thuật làm dưa bồn bồn, bảo quản và vận chuyển bồn bồn đi xa… Tổ hợp tác trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng được thành lập vào tháng 3-2011, với 25 thành viên, lúc này có 15 hộ cận nghèo. Thấy sự phát triển của mô hình, những hộ có điều kiện sẵn sàng cho hộ khó khăn mượn vốn để đầu tư mở rộng diện tích, ngày càng mang lại nguồn thu nhập ổn định từ bồn bồn và cá đồng. Hiện, tổ hợp tác có 22 hộ đạt khá, 3 hộ giàu.

Tổ trưởng Chung Minh Đúng cho biết: Gia đình 25 tổ viên chúng tôi đều đạt chuẩn Gia đình văn hóa nhiều năm liền. Hằng năm, chúng tôi thường xuyên giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với hơn 60 hộ khác trong ấp, trong xã và xã bên. Giải quyết được 127 lao động phụ có việc làm. Ông Đúng phấn khởi: “Hướng tới, tổ hợp tác sẽ góp vốn mua xe ô tô tải làm thêm dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến các tỉnh lân cận”.

Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng đã đưa 15 hộ cận nghèo ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước) trở nên khá giả. Ảnh: HOÀNG GIÁM

TRẢ LẠI SỔ HỘ NGHÈO

Đến Khóm 8, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, nghe kể về cuộc đời của bà Nguyễn Thị Liễu, chúng tôi càng nể phục sự giỏi giang và ý chí không đầu hàng số phận ở người phụ nữ quá lục tuần này.

Thời ra riêng, đất ít, con đông, bệnh tật… bao gánh nặng đè lên đôi vai gầy yếu của bà Liễu, khi chọn phải người chồng không chí thú làm ăn, rượu chè bê tha, còn nặng nhẹ đủ điều. Bà Liễu nhớ lại: “Cảnh sống chật vật, sau khi chia tay chồng, tôi quyết định ở vậy nuôi 6 đứa con khôn lớn bằng nghề nấu ăn phục vụ đám tiệc. Đã 23 năm gắn bó với nghề, xa gần đều biết tài nấu ăn ngon của bà Liễu nên ngày càng đắt “show”. Tận dụng diện tích đất hẹp xung quanh nhà, bà trồng khoảng 400 dây trầu, nuôi thêm gà, vịt… mong muốn “tích tiểu thành đại”.

Thế nhưng cuộc sống vốn không như mong muốn, vừa chạy vạy lo cuộc sống vừa phải bươn chải kiếm tiền trị bệnh tim cho người con trai thứ tư. Bà Liễu tâm sự: “Lúc nó phát bệnh, thời gian tôi ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Mọi công việc đều bỏ lỡ, phải nhờ hai đứa con lớn tiếp giúp. Bao nhiêu năm dành dụm đổ hết vào ca mổ tim của con, nhìn con khỏe mạnh trở lại, tôi như quên hết vất vả và bắt tay làm lại từ đầu”.

Sau khi nấu đám về, có khi 2 – 3 giờ sáng, bà Liễu lọ mọ hái trầu, bó lại để kịp bán phiên chợ sáng, tích lũy dành sửa lại căn nhà. Tuy không khá giàu, nhưng cuộc sống của gia đình bà đã vui vẻ tiếng cười khi con khỏi bệnh, có nhà mới, đời bà coi như thỏa nguyện. Mới đây, bà Liễu đã xin trả lại sổ hộ nghèo…

Khác nhau về xuất thân, địa lý, tuy nhiên những nông dân nêu trên không khuất phục trước hoàn cảnh, luôn trăn trở, tìm hướng đi mới để đưa kinh tế gia đình phát triển ổn định. Trên hết, ở họ là tinh thần say mê lao động, “sợ” cái nghèo đeo bám nên dù con đường lập nghiệp có gian nan nhưng vẫn gắng sức vượt qua. Điều quý giá là khi có của ăn của để, họ sẵn sàng sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, đóng góp xây dựng quê hương. Họ xứng đáng là những tấm gương vượt khó, tạo được sự ảnh hưởng rất tích cực đối với người dân địa phương, đặc biệt là đối với các hộ đang cố gắng thoát nghèo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *