Thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào!

Tiền thân của Đ10 là Chi đội Thiện Thuật, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, được thành lập ngày 19/9/1945. Gần 2.000 người, cả nam lẫn nữ với nhiều thành phần, giai cấp, trước vận nước lâm nguy đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ chiến đấu. Qua nhiều lần đổi phiên hiệu: Trung đoàn Thiện Thuật, Trung đoàn 95; tháng 9/1964, để giữ bí mật, đơn vị đổi thành Trung đoàn 10 và lên đường vào Nam chiến đấu.

Tiết mục văn nghệ do các cựu binh Đ10 thể hiện, thắm thiết tình đồng đội.

Những năm 1970 – 1972, chiến trường Cà Mau bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Lực lượng ít nơi trú chân an toàn. Đồng bào không yên ổn làm ăn. Địch đổ quân càn quét, ném bom, bắn phá liên tục. Một bộ phận nhân dân rút vào rừng hoặc di tản hợp pháp ra vùng địch kiểm soát để tránh thương vong. Nắm rõ tình hình, Trung ương tăng cường cho Cà Mau và Quân khu 9 một trung đoàn chính quy, tinh nhuệ, mang tên Trung đoàn 10, mật danh Đ10.

Cán bộ, chiến sĩ Đ10 đa phần là người miền Bắc, miền Trung, quen đánh ở địa hình khô cạn. Về vùng sông nước miền Tây rất cần có người địa phương thông thạo địa hình, nắm rõ tình hình, phong tục tập quán nơi đóng quân để dẫn đường, chỉ lối. Trước tình hình đó, tỉnh Cà Mau đã bổ sung cho Đ10 hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hơn 100 chiến sĩ nữ, cùng lực lượng chiến đấu kiên cường, dũng cảm, phát huy được truyền thống quê hương căn cứ địa cách mạng.

Thương binh Trần Văn Tấn (người ngồi) ôn lại những ngày chiến đấu cùng đồng đội.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Minh Kiệm, nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 7 (Đ10), quê ở xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước (nay là huyện Phú Tân), xung phong vào bộ đội năm 17 tuổi. Suốt cuộc đời binh nghiệp, ông bị thương 18 lần, được tặng thưởng 19 huân chương và danh hiệu, từ tham chiến chống càn ở Phú Mỹ năm 1970 đến trận cuối cùng trên lộ Vòng Cung năm 1975. Ông Kiệm hồi nhớ: “Ở Cà Mau, từ khi phát hiện bộ đội chủ lực Đ10, Sư đoàn 21 phối hợp với Sư đoàn 9 bộ binh Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thường xuyên tìm diệt. Chúng sử dụng nhiều phương tiện, vũ khí hạng nặng có sự yểm trợ của xe tăng, đại bác, máy bay. Đ10 chủ yếu là lực lượng đặc công, vũ khí trang bị gọn, nhẹ (AK, lựu đạn, bộc phá tự gói…) nhưng tinh thần quả cảm, ngụy trang giỏi, chiến thuật đánh gần, tạo thế bất ngờ”.

Ba năm trên đất Cà Mau, đơn vị tham chiến hơn 240 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.200 tên địch, với những chiến thắng lẫy lừng: Tiêu diệt căn cứ Nỗng Cạn, Bà Thầy, Sông Đốc, Hải Quân, Giá Ngự, Chi khu Thới Bình, đồn Vàm Đình, trung tâm chiêu hồi của Chính quyền VNCH ở thị xã Cà Mau, bắn rơi nhiều máy bay trong trận Đất Cháy năm 1971… gây được tiếng vang lớn, bẻ gãy nhiều chiến dịch hành quân lớn “Nhổ cỏ U Minh” của địch, góp phần mở rộng vùng giải phóng của ta, làm thất bại âm mưu bình định của địch ở U Minh.

Các nữ cựu chiến binh cùng xem những bức ảnh kỷ niệm trong những chuyến tham quan, thăm lại chiến trường xưa.

Đại tá Bùi Lưu, nguyên Trung đoàn Trưởng Đ10, xúc động: “Chiến đấu ở đâu cũng là chiến đấu, để giải phóng quê hương, nhưng đối với Đ10, quê hương Cà Mau là tình nghĩa sâu nặng, là tình cảm khó phai. Trung đoàn nhận được sự chở che, đùm bọc của Đảng bộ và nhân dân Cà Mau. Trong đó có Đoàn Văn công giải phóng Cà Mau, đem lời ca tiếng hát động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ Đ10, mà cho đến hôm nay mãi âm vang tình nghĩa keo sơn, thắm thiết”.

Từ tháng 9/1972, Trung đoàn được lệnh từ Cà Mau cơ động lên tuyến trên tiếp tục ghi nhiều chiến công vang dội, mở rộng hành lang giải phóng và tham gia trận đánh lộ Vòng Cung tiến tới giải phóng Cần Thơ 1975. Trận chiến nào mà không phải đổi bằng xương máu, với lối đánh địch công sự, hiệu quả cao, nhưng tổn thất cũng không phải ít. Trong 5 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ, Đ10 đã có trên 1.200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, riêng trên đất Cà Mau hơn 300 người.

Lưu lại số điện thoại để tiện liên lạc, thăm hỏi nhau.

Sau hòa bình, cựu chiến binh Đ10 ở Cà Mau trở về quê hương, về với cuộc sống đời thường, gắng sức chăm lo kinh tế, giáo dục con cháu. Từ năm 2009, Ban Liên lạc Đ10 đã tổ chức họp mặt thường niên, gây quỹ động viên, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và tổ chức tham quan thăm lại chiến trường xưa. Nhiều cô chú không khỏi xúc động, ray rứt khi thời gian qua đi có những hài cốt chưa xác định được tên tuổi, địa chỉ.

Trong suốt câu chuyện về những năm tháng chiến đấu, các cựu chiến binh luôn nâng niu miền ký ức của những năm tháng hào hùng. Xúc động biết bao khi nghe các cô chú kể về những cuộc đối đầu sinh – tử, “xuất xứ” của những vết thương còn in hằn trên cơ thể… Tất cả là những bài học vô giá được viết nên từ máu và nước mắt… để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho cuộc sống này đơm hoa, kết trái.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *