Thầm lặng những thanh âm đẹp trong cuộc sống

26 năm ngời sáng áo blouse

Thời điểm năm 1994, khi Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau được thành lập, bác sĩ Mã Nhơn Khiêm đã về công tác tại khoa, trong điều kiện khoa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực cũng như trang thiết bị. Trưởng thành từ cơ sở, từng nếm trải những khó khăn của ngành mang tính chất đặc thù này, bác sĩ Khiêm hiểu hơn ai hết về những vất vả, cũng như chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân phải ra đi vì bệnh nan y, hoặc chuyển tuyến trên điều trị khi bệnh viện tỉnh không đủ trang thiết bị, đặc biệt là chiếc máy thở dùng cho những bệnh nhân trong cơn nguy kịch. 26 năm là hành trình bác sĩ Khiêm sống trọn vẹn với nghề.

5 năm gần đây, hưởng ứng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hàng năm, tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, phong trào thi đua sáng tạo diễn ra rất sôi nổi, nhất là phong trào xây dựng các giải pháp sáng tạo để cải tiến chất lượng chuyên môn, nghiên cứu các đề tài ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nhằm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, bác sĩ Khiêm và các cộng sự đã đề ra 4 giải pháp cải tiến kỹ thuật, trong đó có giải pháp “Máy bóp bóng hô hấp nhân tạo” đạt giải Ba tại Hội thi lần thứ 6 năm 2019 – 2020 và đạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 – năm 2019 – 2020. Chỉ vài trăm ngàn đồng chi phí cho một cái máy bóp bóng hô hấp nhân tạo, nhưng chính nhờ vào việc hoạt động đúng quy cách, chiếc máy này đã làm giảm áp lực công việc của các khoa trong bệnh viện, cũng như giúp kéo dài sự sống cho nhiều bệnh nhân đang cơn nguy kịch.

26 năm, bác sĩ Mã Nhơn Khiêm sống trọn nghĩa vẹn tình với nghề. Ảnh: Bác sĩ Khiêm (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ với các bác sĩ trẻ của khoa về giải pháp “Máy bóp bóng hô hấp nhân tạo”.

Thành tích cá nhân bác sĩ Khiêm càng đáng khâm phục hơn, trong 5 năm qua đã thực hiện và liên kết thực hiện 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, trong đó có 2 đề tài đạt giải Nhất. Cụ thể, đề tài “Đánh giá nguy cơ nhiễm khuẩn vi khuẩn đa kháng trên bệnh nhân viêm phổi liên quan thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau”, tham gia báo cáo tại Hội nghị Hô hấp châu Á – Thái Bình Dương năm 2019; đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nhân sảng rượu tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc – Bệnh viện Đa khoa Cà Mau”, báo cáo tại Hội nghị Tâm thần toàn quốc năm 2019.

5 năm liền (2015 – 2019), Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Đó là thành quả, là kết quả biết vận dụng trí tuệ của cả tập thể, đoàn kết, nhiệt tình chung tay thực hiện công việc, và thành tích này có sự đóng góp không nhỏ của bác sĩ Mã Nhơn Khiêm.

“Nghề chọn mình và mình đã yêu nghề”

1h sáng, những con đường vắng tanh, tiếng chổi tre quanh các tuyến đường, ngõ hẻm ở thành phố vẫn cứ xào xạc; thật không khó tìm gặp nhân vật khi đã xác định được tuyến đường mà chị làm nhiệm vụ hàng ngày. Đó là chị Trần Thị Phương, nhân viên quét rác đường phố thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Cà Mau. 10 năm gắn bó với nghề lao công, chị Phương luôn là công nhân cần cù, chịu khó và sống trọn với nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ công ty giao phó, không nề hà khó khăn hay nguy hiểm.

Trước năm 2010, chị Phương làm công nhân công ty thủy sản, tuy vất vả nhưng chị vẫn gắn bó và làm rất tốt công việc. Cách đây 10 năm, chị chuyển qua nghề lao công, kể từ đó, một lần nữa bản thân lại sống trọn vẹn với nghề do chính mình chọn, bởi theo chị chia sẻ, không biết tự lúc nào bản thân đã yêu cái thanh âm ban đêm, yêu tiếng chổi tre xào xạc và vui vì phía sau mình là những cung đường sạch sẽ sẵn sàng cho một ngày mới.

Chị Trần Thị Phương luôn hết mình với nghề đã chọn.

Công việc của chị Phương bắt đầu từ 1h và kết thúc vào lúc 5h sáng hàng ngày; trở về nhà, chuẩn bị cho chồng và 2 con ăn sáng đi làm và đi học; nghỉ ngơi chút, chị lại tiếp tục công việc thường nhật là thu hoạch sả cây đem ra chợ bán để có thêm thu nhập, trang trải chi phí cho gia đình.

Không ngừng phấn đấu, chị Phương còn tranh thủ thời gian đi học may, do một chị ở khóm tổ chức dạy miễn phí. Hôm gặp tôi, chị Phương khoe đã may được quần áo cho chồng con và người thân, tới đây, khi lành nghề, chị sẽ kiếm thêm cơ sở để nhận đồ may gia công vào ban ngày. Với người phụ nữ này, chị yêu lao động đến nỗi không cho bản thân mình nghỉ ngơi. Sau ca đêm, khi trời hừng sáng, chị lại bắt đầu một ngày mới với công việc mà mình yêu thích.

Bác sĩ Mã Nhơn Khiêm, chị Trần Thị Phương là hai bông hoa đẹp trong vườn hoa thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Cà Mau. Nghề nghiệp, tuổi tác, xuất phát điểm khác nhau, thế nhưng họ đã sống trọn với nghề mình đã chọn. Không những thế, họ còn trở thành hình mẫu cho đồng nghiệp và những người xung quanh, chứng minh chân lý “nghề nào cũng vậy, khi yêu thì sẽ làm được”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *