Thầm lặng trong “cuộc chiến” phòng, chống HIV/AIDS

Thông qua công tác tiếp cận, tư vấn, các nhân viên TCCĐ đã giới thiệu hàng trăm trường hợp người sử dụng ma túy đến các dịch vụ chăm sóc y tế để cai nghiện, điều trị. Ông Lê Thành Công, Trưởng khoa Truyền thông và Can thiệp (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh), cho biết: “Nhóm đối tượng nghiện ma túy và hành nghề mại dâm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, nhưng để tiếp cận tuyên truyền và tư vấn cho họ cực kỳ khó khăn. Nhân viên TCCĐ (tên gọi trước là Nhóm giáo dục đồng đẳng), là những người thông thạo địa bàn, tụ điểm, những người kiên quyết đấu tranh với tệ nạn, có người từng sử dụng ma túy nay đã từ bỏ, nên thuận lợi trong việc tiếp cận đối tượng. Thời gian qua, những nhân viên này đã có đóng góp rất nhiều cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh”.

Phát tờ rơi, bao cao su… tại các quán cà phê và khu vực chợ.

Toàn tỉnh hiện có 5 tổ TCCĐ ở TP. Cà Mau và các huyện: Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, với 59 thành viên. Họ là những người được các chương trình, dự án tuyển chọn, đào tạo để tiếp cận với những người nghiện chích ma túy, người bán dâm để tuyên truyền về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; cung cấp phương tiện thực hiện các hành vi an toàn (bơm kim tiêm, bao cao su…). Đồng thời vận động người nghiện đến tiếp cận các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS.
Nhóm TCCĐ ở TP. Cà Mau có đông thành viên nhất, với 30 người, được chia làm 3 tổ tiếp cận với người nghiện ma túy, mại dâm và đồng tính; duy trì hoạt động thường xuyên, trực tiếp đến các khu chợ, quán cà phê, bến xe, bến tàu, trường học, công viên để phân phát tờ rơi, bao cao su… Đối với những trường hợp quen biết, họ chân tình lắng nghe, chia sẻ, gỡ rối cho các đối tượng liên quan đến ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, giúp họ tự phòng tránh lây nhiễm, dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti và trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Nhân viên tiếp cận cộng đồng thu gom kim tiêm trên địa bàn TP. Cà Mau.

Những công việc nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng qua chia sẻ của các nhân viên mới cảm nhận được sự khó khăn, trở ngại. Anh Võ Tuấn Kiệt, một thành viên nhóm TCCĐ, bộc bạch: “Đa phần người nghiện ma túy rất khó tiếp xúc, vài lần đầu chúng tôi đều bị xua đuổi, thậm chí hành hung. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì tiếp cận, tạo sự thân thiện, gần gũi bằng cách ăn cơm chung, mời họ uống cà phê, kể nhiều chuyện vui, rồi lồng ghép tuyên truyền để những người nhiễm HIV và những người nghiện ma túy hiểu ra tác hại của lây nhiễm HIV/AIDS, từ đó có sự thay đổi hành vi an toàn cho chính họ và cho xã hội”. Ông Trần Hoàng Phương, người tham gia nhóm TCCĐ gần chục năm nay, chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến và bị ám ảnh với bao bất hạnh, mất mát của những gia đình có người bị nghiện ma túy, rồi nhiễm HIV. Mặc dù kinh phí hỗ trợ chỉ 500 ngàn đồng/người/tháng, tôi và anh em vẫn tích cực tham gia các hoạt động của nhóm, chỉ mong mọi người hiểu biết, tránh xa ma túy, tệ nạn, xây dựng cuộc sống lành mạnh hơn”.

Với sự nhạy cảm, tinh tế và những kinh nghiệm sáng tạo rút ra trong quá trình làm việc, những nhân viên TCCĐ luôn tự tin với công việc của mình. Họ là “nhịp cầu” dẫn lối giúp nhiều người nhận biết, thay đổi và thực hiện các hành vi an toàn phòng tránh HIV/AIDS.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *