Thanh tra tỉnh sửa Kết luận của mình

Theo đó, có rất nhiều nội dung được sửa đổi, tập trung vào những kết luận về sai phạm, trách nhiệm của các cá nhân trên lĩnh vực quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT); đấu thầu thuốc… Tuy nhiên, cụ thể của việc sửa đổi lại như thế nào thì trong Thông báo của Thanh tra tỉnh không nêu rõ.

Ảnh minh họa.

Sửa đổi nhiều kết luận về sai phạm

Thông báo Kết luận lần nay của Thanh tra tỉnh sửa đổi lại phần Kết luận trước đó, ở mục mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) và vật tư y tế: “Qua kiểm tra các dự án, gói thầu mua sắm TTBYT đều có văn bản của UBND tỉnh phê duyệt, cho phép mua sắm và thực hiện đấu thầu theo quy định. Có một vài thiếu sót như: quyết định phê duyệt giá gói thầu bao gồm cả chi phí dự phòng; không lập biên bản khi hoàn thành trách nhiệm bảo hành (dự án mua DSA)”.

Tại mục về đấu thầu thuốc chữa bệnh, sửa đổi đoạn: “Theo số liệu của BHXH (Bảo hiểm xã hội – PV) tỉnh, đã thanh quyết toán 02 loại thuốc trên theo đơn giá trúng thầu tập trung năm 2017 cho 17 cơ sở KCB (khám chữa bệnh – PV) BHYT, giá trị: 1.891.986.050đ, chênh lệch giữa giá trúng thầu so với giá trung bình thấp nhất đợt 2 năm 2017 do BHXH Việt Nam công bố trên Trang thông tin điện tử của BHXH Việt Nam là: 640.153.000đ (11 cơ sở y tế công lập trong danh mục đấu thầu tập trung năm 2017 của Sở Y tế; 01 cơ sở y tế công lập không có trong danh mục đấu thầu tập trung của Sở Y tế; 06 cơ sở KCB ngoài công lập)”.

Từ thực tế này, trong phần Kết luận của Thanh tra tỉnh cũng được sửa đổi nội dung về quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm TTBYT và vật tư y tế: như: “Quỹ BHYT hàng năm thu không đủ chi, BHXH Việt Nam phải bù để chi từ năm 2014 đến 2018 là 876,65 tỷ đồng, do nhiều nguyên nhân…”, “có một vài thiếu sót trong thực hiện như: quyết định phê duyệt giá gói thầu bao gồm cả chi phí dự phòng; không lập biên bản khi hoàn thành trách nhiệm bảo hành (dự án mua DSA)”, “đưa 02 loại thuốc vào danh mục đấu thầu tập trung 2017 dẫn đến các cơ sở KCB thanh toán chênh lệch tăng 640.153.000 đồng”…

Từ sửa đổi trên, kéo theo phần kiến nghị xử lý, Kết luận lần này sửa đổi nội dung: “Chánh Thanh tra tỉnh ra quyết định thu hồi số tiền sai phạm 2.083.347.729đ, trong đó BHXH tỉnh nộp số tiền là 1.454.541.069đ…”.

Về xử lý trách nhiệm, sửa đổi đoạn nội dung liên quan trách nhiệm của các ông: Nguyễn Hoàng Sa – Phó Giám đốc Sở Y tế; ông Trịnh Trung Kiên – Giám đốc BHXH tỉnh; ông Dương Minh Tùng – Trưởng phòng Giám định BHXH tỉnh.

Phản ứng ngay sau thông báo Kết luận thanh tra

Như Đất Mũi Online đã thông tin trước đó, qua thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm TTBYT và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn từ tháng 1/2014 – 9/2019 (Thông báo Kết luận thanh tra số 03/KL-TT ngày 25/5/2020 của Chánh Thanh tra tỉnh), Thanh tra tỉnh đề nghị xử lý kiểm điểm trách nhiệm 5 tổ chức và 26 cá nhân có liên quan, cùng với đó kiến nghị xử lý về kinh tế thu hồi 2,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau khi công bố, ông Trịnh Trung Kiên – Giám đốc BHXH tỉnh, đã có “phản ứng”, cho rằng còn nhiều vấn đề chưa phù hợp trên lĩnh vực BHYT.

Ông Kiên cho rằng, kết luận: “Con số nhà nước phải bù trên 876 tỷ đồng cho BHYT của tỉnh trong giai đoạn 2014 – 2018” là chưa chính xác, bởi đây là số tiền bội chi được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam bù từ quỹ BHYT được quản lý tại BHXH Việt Nam theo đúng quy định tại Nghị định 105/2014 NĐ-CP, nói ngân sách bù chi là chưa đúng theo quy định về quản lý thu, chi BHYT hiện hành.

Đối với việc Thanh tra kết luận việc tạm ứng hàng quý cho 7 cơ sở KCB, thực hiện có một số quý trễ thời gian, chưa đúng số lần và số tiền tạm ứng quy định tại khoản 1, 2, Điều 32, Luật BHYT và khoản 21, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ông Kiên cho rằng Đoàn thanh tra không tra soát đầu vào, đầu ra trên tài khoản tiền gửi chi quỹ BHYT mở tại ngân hàng, mà kết luận BHXH tỉnh cấp trễ thời gian, chưa đúng số lần và số tiền tạm ứng là chưa khách quan.

“Việc cấp ứng 2 lần mới đủ 80% là do BHXH tỉnh phụ thuộc vào nguồn kinh phí do BHXH Việt Nam chuyển đến. Đây là thực tế khách quan nhằm đảm bảo cấp kinh phí kịp thời cho cơ sở KCB BHYT”, ông Kiên lý giải.

Việc thẩm định chấp nhận thanh toán tiền thuốc cho các cơ sở KCB không đúng theo Công văn 13398/QLD-DK ngày 13/7/2018 của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế về việc cập nhật thông tin hướng dẫn sử dụng đối với thuốc chứa Cefmetazol, đường tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền tĩnh mạch với số tiền 814.388.069 đồng; về thẩm định chấp nhận thanh quyết toán đối với 2 loại thuốc (hoạt chất Alpha Chymotrypsin, hàm lượng 4,2mg, gói thầu số 2 và hoạt chất Paracetamol (Acetaminophen), hàm lượng 650mg, loại viên sủi, gói thầu 3) không đúng theo Công văn 225/BHXH-GĐBHYT của BHXH tỉnh và Công văn số 4837/BYT-BH của Bộ Y tế với số tiền 1.208.139.133 đồng…, ông Kiên cho biết đây không phải là lỗi chủ quan, cố ý không thực hiện Công văn 13398, mà do BHXH tỉnh không nhận được văn bản này và chưa được cơ quan BHXH Việt Nam, Sở Y tế triển khai thực hiện.

“BHXH tỉnh đã rà soát và giảm trừ trong quyết toán chi phí KCB BHYT với cơ sở KCB năm 2019 và thực hiện cân đối thu, chi quỹ BHYT theo Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 5/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán chi KCB BHYT năm 2019, đã báo cáo UBND tỉnh và quyết toán với BHXH Việt Nam nên không có cơ sở để nộp số tiền theo kết luận của Thanh tra tỉnh”, ông Kiên chia sẻ.

Việc Thanh tra tỉnh đề nghị thu hồi số tiền trên 1,2 tỷ đồng do BHXH tỉnh thẩm định chấp nhận thanh quyết toán đối với 2 loại thuốc (hoạt chất Alpha Chymotrypsin và hoạt chất Paracetamol) không đúng theo quy định, ông Kiên cho rằng, cách tính của Đoàn Thanh tra là chưa phù hợp, vì dù đây thuộc 2 thuốc có tiêu chí kỹ thuật khác nhau, cùng nhóm, nhưng có hàm lượng khác nhau. Hơn nữa, 2 loại thuốc này được trúng thầu của Sở Y tế, được đưa vào đấu thầu và nguyên tắc thanh toán thuốc thì phải căn cứ vào kết quả đấu thầu là cơ sở pháp lý cao nhất. Một lý do nữa là trước đây BHXH ban hành đơn giá (Công văn 225) là nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm, chứ không thể căn cứ vào đây để từ chối thanh toán.

Một vấn đề đáng lưu ý mà ông Kiên chỉ ra là việc thu hồi số tiền trên 1,2 tỷ đồng theo Kết luận thanh tra số 03, trong khi trước đó nội dung này không có trong biên bản kết thúc thanh tra tại BHXH tỉnh. 

Thanh tra viên phản ứng

Liên quan đến nội dung Kết luận thanh tra số 03 của Đoàn thanh tra số 74, thanh tra viên Lê Đức Toàn (thành viên Đoàn) cũng đã có phản ứng, cho rằng phần thanh tra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, Kết luận nêu có sai sót, số tiền 628 triệu đồng là chưa chính xác, mà con số phải trên 30 tỷ đồng, đồng thời đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để làm rõ những sai phạm này vì có dấu hiệu hình sự.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh vào thời điểm đó đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh rà soát lại báo cáo của thanh tra viên Lê Đức Toàn, và Thanh tra tỉnh khẳng định không bỏ qua, phớt lờ sai phạm như tinh thần báo cáo của Thanh tra Toàn.

Báo cáo rà soát này cũng cho hay là những vấn đề có dấu hiệu sai phạm, nhưng thời gian thanh tra có hạn, chưa đủ điều kiện để kết luận, nên đề nghị Chủ tịch tỉnh chỉ đạo các cơ quan khác hoặc một cuộc thanh tra khác tiếp tục làm rõ.

Được biết, vụ việc Thanh tra Toàn “tố” Kết luận Thanh tra số 03 đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc xem xét.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *