Thảo luận tại hội trường Kỳ họp HĐND tỉnh: Chưa làm tốt công tác quy hoạch

Tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn chế

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hồ Xuân Việt (huyện Thới Bình) nêu lên những thành tựu đạt được qua 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp. Thu nhập của người dân vùng nông thôn tăng gấp đôi, không còn hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách. Nhiều mô hình sản xuất quy mô ngày càng lớn, tập trung. Ý Đảng, lòng dân đã cụ thể hóa về nông nghiệp – nông dân – nông thôn.

Tuy nhiên, nhìn vào hiện trạng, đại biểu Việt chỉ ra những hạn chế, nhất là điệp khúc được mùa, mất giá. Năng lực chế biến hiện nay tại địa phương chỉ có 2 nhà máy chế biến gạo, 95% sản phẩm lúa gạo phụ thuộc vào các nhà máy chế biến ngoài tỉnh, dẫn đến giảm giá trị sản phẩm.

Cùng với đó, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn khá cao. Theo con số thống kê, thất thoát sau thu hoạch chiếm khoảng 10%, con số ước lượng thì Cà Mau mất trên 20 tỷ đồng mỗi năm từ thực rạng này, trong thực tế, con số này còn cao hơn.

Phải thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong thời gian tới, cả ngắn hạn và dài hạn,

gợi mở nhiều giải pháp, đại biểu Việt mong muốn có được hướng đi hiệu quả đưa nguyên liệu đến nhà máy; đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, vì không những làm giảm thất thoát sau thu hoạch mà còn tránh phụ thuộc vào lượng lao động nông thôn vốn đang khan hiếm.

Cũng với nội dung Tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Phạm Phúc Giang (huyện Cái Nước) mong muốn cần xác định rõ nền kinh mũi nhọn của tỉnh là thủy sản hay du lịch? Đối với việc lựa chọn ngành hàng chủ lực trên lĩnh vực nông nghiệp, phải dựa trên tiềm năng đặc hữu, lợi thế mang tính riêng biệt.

Liên quan đến ngành hàng tôm, Cà Mau có trên 280 ngàn hecta nuôi tôm, đại biểu Giang cho rằng đây là lợi thế lớn, đặc biệt có khoảng 10 ngàn hecta nuôi tôm công nghiệp. Dù được xác định nuôi siêu thâm canh mang lại siêu lợi nhuận, hiệu quả, sản lượng, tuy nhiên qua trên 3 năm phát triển “nóng” (từ năm 2016), hiện diện tích cũng chỉ trên 2 ngàn hecta.

Hầu hết nuôi theo hình thức này có quy mô nhỏ, hộ gia đình; chưa có mô hình nuôi tập trung, quy mô lớn làm điểm, triển khai nhân rộng; người nuôi tự lực, hỗ trợ Nhà nước chưa nhiều – đại biểu Giang nêu lên thực trạng.

Đại biểu Nguyễn Chí Công (huyện Phú Tân) nêu lên những hạn chế trong công tác quản lý đất đai, nhất là diện tích đất cho các tổ chức, cá nhân thuê để sản xuất, kinh doanh. Do buông lỏng quản lý mà sau khi hết hợp đồng trong thời gian dài vẫn chưa được ký lại, dẫn đến thất thoát nguồn ngân sách, làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai.

Đại biểu Nguyễn Minh Đương (huyện Thới Bình) quan tâm đến số hộ dân vùng sâu, nông thôn hiện nay chưa được sử dụng nước sạch, nhất là khi đang bước vào mùa khô. Con số đại biểu Đương đưa ra là hiện còn 23 ngàn hộ còn sử dụng nước chưa hợp vệ sinh. Riêng đối với đồng bào dân tộc, hiện có trên 1.100 hộ nghèo thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, khả năng sẽ tăng lên vào mùa khô.

Các đại biểu cũng đã thảo luận các nội dung liên quan đến công tác thu ngân sách, tạo việc làm, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri; tăng tội phạm, nhất là về ma túy…

Đại biểu Hồ Xuân Việt tham gia thảo luận các vấn đề liên quan trên lĩnh vực tái cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Có phải là “nhỏ”?

Trước đó, ông Võ Quốc Tín – Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, thông tin kết quả thảo luận các Tổ đại biểu HĐND tỉnh trước Kỳ họp. Theo đó, các đại biểu có ý kiến tập trung vào những vấn đề còn hạn chế, khó khăn, phân tích nguyên nhân và đề nghị bổ sung các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả hơn trong thời gian tới, tập trung vào thực hiện Nghị quyết HĐND về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đại biểu nhận định, thời gian qua, việc xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích. Mặt bằng chung giữa xã đạt chuẩn với xã chưa đạt chuẩn không quá chênh lệch. Đại biểu đề nghị thời gian tới cần có giải pháp chỉ đạo để xã đạt chuẩn thực chất hơn. Không đưa ra chỉ tiêu phấn đấu về số lượng, không đưa cụ thể tên các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Trên lĩnh vực giáo dục, đại biểu cho rằng giáo viên đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì phải dạy có chất lượng, nếu vi phạm (dạy thêm – PV) thì cần có giải pháp xử lý nghiêm. Tình trạng cất nhà trái phép, khu dân cư tự phát còn xảy ra, ảnh hưởng đến chỉnh trang đô thị.

Theo đó, mong muốn cần quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Việc dùng từ “nhỏ” trong đánh giá “một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, thậm chí có trường hợp sai phạm bị xử lý kỷ luật”, có chính xác chưa?

Nhận thức về PCI chưa có nhiều chuyển biến

Giải trình các ý kiến đại biểu nêu ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng, trong kế hoạch từng xã, từng huyện khi xây dựng nông thôn mới phải có tên cụ thể từng xã chỉ đạo điểm một cách cụ thể. Nêu tên là để tập trung chỉ đạo, đầu tư, tránh đầu tư dàn trải.  

Tỉnh rất quan tâm, đầu tư công trình cung cấp nước ngọt hợp vệ sinh, đưa tỷ lệ người sử dụng ngày càng cao. Hiện có 239 công trình cung cấp nước ngọt hợp vệ sinh được tỉnh đầu tư xây dựng. Trong đó có 27% hoạt động rất hiệu quả, 38% hoạt động trung bình, 15% hoạt động không cao và có 18% công trình hư hỏng, ngưng hoạt động. Có 192 công trình cung cấp nước có công suất nhỏ, khoảng 8m3/ngày đêm, cung cấp nước cho trên 17.500 hộ. Có 8 công trình cấp nước có công suất lớn, cấp cho 16 ngàn hộ sử dụng.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng hiện công tác quản lý các công trình chưa hiệu quả. Tỉnh đã có nhiều giải pháp, như giao khoán cho hộ dân hay chính quyền xã quản lý, vận hành, nhưng vẫn chưa mang lại kết quả, trạm cấp nước xuống cấp, ngưng hoạt động ngày càng nhiều. Tới đây tỉnh sẽ gom lại, bán cổ phần, giao cho nhà đầu tư quản lý các trạm cấp nước. Từng bước hạn chế khai thác tầng nước ngầm, vẫn sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, đưa nước ngọt từ Sông Hậu về tận một phần diện tích ở Cà Mau, tiến tới ngưng khai thác tầng nước ngầm.

Nói về Tái cơ cấu nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là một mảng lớn, tác động đa số người dân trong tỉnh. Tỉnh cũng đã quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp từng vùng phù hợp điều kiện tự nhiên, xác định rõ cây trồng, vật nuôi để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư trọng tâm…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chưa đạt theo ý muốn, hiệu quả chưa cao, đặc biệt là chưa làm tốt công tác quy hoạch. “Càng xuống dưới càng không tốt”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định và cho rằng điều này được thể hiện rõ thông qua quy hoạch trong nuôi tôm thời gian qua.

Do không làm tốt quy hoạch đã dẫn đến thiếu định hướng, người nuôi manh mún, tự phát… Việc chọn mặt hàng chủ lực thì cũng lúng túng, chưa đảm bảo về tiêu chỉ, kể cả ngành Nông nghiệp. Việc chọn ngành hàng chủ lực đã qua của tỉnh không phải bất nhất, mỗi địa phương có nhiều ngành kinh tế mũi nhọn là hoàn toàn hợp lý.

Về tăng trưởng PCI, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ không phải sở, ngành, địa phương nào cũng nhận thức rõ trách nhiệm. Từ nhận thức không tới nên công tác chỉ đạo không tới, kéo theo gây phiền hà cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. PCI của Cà Mau có nâng lên, nhưng các tỉnh người ta tiến nhanh hơn nên chúng ta tụt lại phía sau.

“Tỉnh đã chỉ đạo kiên quyết rất nhiều, tôi rất buồn khi các sở, ngành chưa có chuyển biến”, Chủ tịch UBND tỉnh trăn trở và cho rằng điều này cần quan tâm, vì liên quan đến công tác đánh giá cán bộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *