Thảo luận tổ trước Kỳ họp thứ 12 – HĐND tỉnh khóa IX

Đại biểu Hồ Xuân Việt – Tổ trưởng Tổ 1, chủ trì thảo luận tổ.

Ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động kép

Thảo luận về tình hình KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm, các đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và đại hạn lịch sử mùa khô 2019-2020.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Mộng Thành, đại dịch và đại hạn cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, nhất là về sinh hoạt, sản xuất. Hầu hết thu nhập chủ yếu của người dân từ nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên nhiều tháng qua giá tôm nguyên liệu xuống quá thấp do nguồn hàng chế biến không xuất khẩu được vì thị trường các nước đóng cửa bởi dịch COVID-19. Đại hạn kéo dài gây sụt lún đất, ảnh hưởng hoàn toàn giao thông vùng ngọt, gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp, thiếu nước sinh hoạt, nguy cơ cháy rừng… Hiện nay đang vào mùa mưa bão, thực trạng sạt lở đất ven sông, ven biển vẫn tiếp diễn, nguy cơ gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng nhân dân và hạ tầng, hệ sinh thái sản xuất là rất lớn; người dân rất quan tâm, âu lo.

Ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng qua, tăng trưởng của tỉnh chỉ ở mức 1,6%, quyết tâm phấn đấu đến cuối năm đạt ở mức 3,8%. “Sản xuất kém phát triển, dịch vụ bị ngưng trệ… Để đạt tốc độ tăng trưởng này, cần có sự chỉ đạo, điều hành một cách quyết liệt, trong đó cần nghiên cứu phát triển “kinh tế đêm”, mới có thể kéo con tàu kinh tế của tỉnh tăng tốc trở lại”, ông Khoa chia sẻ.

Vấn đề về tội phạm ma túy, tín dụng đen, tệ nạn xã hội được các đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến, bởi tình hình vẫn có chiều hướng gia tăng khi ngành chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều vụ có số lượng lớn, dù chúng ta đã có nhiều giải pháp.

Nhiều đại biểu trăn trở, rất nhiều địa phương đã là nông thôn mới, các nơi còn lại đang tập trung quyết liệt cho chủ trương lớn này, nhưng tình trạng trộm cắp, đá gà ăn tiền, số đề vẫn ra là không thể chấp nhận được.

Về sản xuất nông nghiệp, nhiều đại biểu quan tâm việc triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, bởi thực tế, sau đầu tư nguồn vốn cho sản xuất thì không thể tiếp tục áp dụng, nhân rộng. Sản xuất nông nghiệp tại Cà Mau còn nhỏ lẻ nên thiếu cạnh tranh, cần quan tâm đầu tư sản xuất theo hướng tập trung, công nghệ cao…

Hạn hán gây thiệt hại đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội vùng ngọt.

Điều chỉnh nhiều nguồn vốn đầu tư công

Các tổ đại biểu tiến hành thảo luận các nội dung: Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 và năm 2019 chuyển sang năm 2020; Điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng công trình Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai; Điều chỉnh tên và chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Điểm du lịch Đất Mũi thuộc Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.

Thảo luận dự thảo các nghị quyết: Nghị quyết về phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội Dân phòng và định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết danh mục điều chỉnh, bổ sung dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng rừng năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định mức đóng góp và chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh…

Thống nhất xây dựng bệnh viện 1.200 gường

Đối với chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh, các đại biểu thống nhất việc xây dựng bệnh viện mới cạnh bệnh viện hiện tại, với tổng vốn đầu tư trên 3,3 nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện hoàn thành từ nay đến năm 2025, nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho nhân dân.

Quy mô của dự án được thực hiện trên phần diện tích hơn 107.000m2 với 5 khối hạng mục, gồm: Nhà chính (khối Kỹ thuật nghiệp vụ và hành chính quản trị, khối Nội trú: 18 khoa và 3 trung tâm: Ung bướu, Nội tiết, Tim mạch); Khoa Tâm thần; Khoa Truyền nhiễm; Khu Xạ trị; Khu Kỹ thuật hậu cần và dịch vụ tổng hợp.

Đây là dự án thuộc nhóm A sử dụng nguồn ngân sách trung ương, vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.  

Việc đầu tư nhiều công trình cấp nước nông thôn còn mang tính dàn trải, tạm thời, quy mô đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp

Dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát việc cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nêu thực trạng trên địa bàn tỉnh có tổng số 286 công trình cấp nước tập trung, với tổng công suất khai thác thiết kế khoảng 144.000 m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 137.590 giếng khoan nhỏ lẻ hộ gia đình; tổng lưu lượng khai thác khoảng 275.180 m3/ngày đêm; cấp nước cho 174.170 hộ dân (không kể các giếng nước của các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn được phép khai thác).

Vùng đô thị phân phối nước sạch sinh hoạt đạt 95% dân số, vùng nông thôn chỉ đạt 18% dân số sử dụng hệ thống cấp nước tập trung, 74% dân cư nông thôn sử dụng nước từ giếng khoan gia đình. Tình trạng sử dụng giếng khoan nhỏ lẻ còn nhiều, quản lý chưa chặt chẽ.

Đã qua, việc đầu tư nhiều công trình cấp nước nông thôn còn mang tính dàn trải, tạm thời, quy mô đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp, chưa đảm bảo tính bền vững lâu dài.

Công trình cấp nước tập trung nông thôn hầu hết không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không đảm bảo phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước theo quy định. Chỉ 80/238 công trình có Giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm. Các công trình chưa thực hiện công tác quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo quy định.

Hiện nay, chỉ có 59 công trình hoạt động có hiệu quả, 105 công trình hoạt động trung bình, 73 công trình hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động, xuống cấp trầm trọng, chờ thanh lý, tháo dỡ.

Việc đầu tư hạ tầng các công trình cấp nước tập trung đã qua còn dàn trải, tạm thời, quy mô đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư thấp… nên trong mùa khô vừa qua, toàn tỉnh có hơn 20.800 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Trong nhiều giải pháp được nêu ra, nhấn mạnh đến việc xây dựng “Đề án đổi mới cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh nước sạch sinh hoạt” theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp. Cần xem xét hướng xử lý: Ưu tiên cho Công ty cổ phần Cấp nước Cà Mau nhận bàn giao các công trình cấp nước tập trung có vị trí liền kề với khu vực doanh nghiệp đang hoạt động. Nâng Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thành doanh nghiệp công ích, bàn giao chức năng, nhiệm vụ của đơn vị về Chi cục Phát triển nông thôn. Thí điểm một số công trình cấp nước tập trung để xã hội hoá theo khu vực…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *