“Thắp lửa” Khởi nghiệp

1. Phải biết nắm bắt những cơ hội, dù là nhỏ nhất

Giám đốc trẻ Võ Khắc Huy (bìa phải) là tấm gương sáng về phong trào thanh niên khởi nghiệp. “Tôi luôn mang kinh nghiệm và cả khát vọng làm giàu của tuổi trẻ chính mình để truyền đạt tới nhân công trong Công ty. Trong khởi nghiệp, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Dù bạn sinh ra và lớn lên ở đâu, bạn cũng có thể làm giàu bằng chính ước mơ và nghị lực của mình, phải biết nắm bắt những cơ hội dù là nhỏ nhất”, anh chia sẻ.

K hởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với lòng nhiệt huyết và ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, anh Võ Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ cơ khí Thành Lợi (Phường 1, TP. Cà Mau), có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Rời xa giảng đường khi mới xong năm nhất ở Trường Đại học Ngoại thương, vì không thể nhìn ba đứa em thơ dại phải bỏ học do cảnh nhà khó khăn, và cũng từ đây, cơ duyên khởi nghiệp của chàng trai trẻ Võ Khắc Huy đã rẽ sang lối đi mới khi anh rời quê hương An Giang xuống Cà Mau lập nghiệp, với hành trang mang theo chỉ là chút kinh nghiệm sửa chữa máy móc. Anh Huy chia sẻ, sinh ra ở miền quê nghèo, vì là anh cả nên ngay từ nhỏ anh phải vất vả bươn chải để phụ giúp lo cho cuộc sống gia đình. Suốt thời thanh niên đến khi lập gia đình, anh luôn ấp ủ, nung nấu suy nghĩ phải tự mình vươn lên, bảo đảm cuộc sống ổn định trong tương lai. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng may mắn anh xin được vào làm cho một cơ sở sửa chữa máy móc do người bạn đồng hương làm chủ. Nhờ cần cù, siêng năng, chẳng mấy chốc anh đã thạo nghề và được khách hàng tin tưởng. Sau 8 năm làm công, anh Huy nhận thấy vùng quê biển Cà Mau có tiềm năng về nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị trên tàu, thuyền cũng như trong các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy hải sản, mà lúc bấy giờ trong vùng lại chưa có nhiều người làm, nên anh quyết định mở cơ sở sửa chữa.

Ban đầu, công việc khá khó khăn do ít vốn, trong khi chi phí đầu tư mua các trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu lớn. Chỉ một vài loại máy móc thô sơ: Tiện, khoan, hàn…, xưởng cơ khí nhỏ do một người trẻ làm chủ chưa được nhiều khách hàng tin tưởng. Anh Huy nhớ về những ngày đầu mở xưởng: “Nhờ có sự động viên từ gia đình, bạn bè và quyết tâm của bản thân, tôi dần tháo gỡ được khó khăn. Sau đó càng làm, tôi càng tin là mình sẽ thành công”. Không ngồi một chỗ chờ khách hàng tìm đến, anh đã chủ động, trực tiếp liên hệ với các khách hàng có nhu cầu. Hễ khách cần sửa chữa, làm thiết bị gì, anh đều sẵn sàng phục vụ. Tiếng lành đồn xa, xưởng cơ khí Thành Lợi được nhiều người biết đến, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng. Nhờ ông chủ trẻ siêng năng, cần cù, trách nhiệm với công việc nên cơ sở dần dần tạo được uy tín, được nhiều khách hàng tìm đến. Cùng với đó, anh tích cực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những xưởng cơ khí lớn trong và ngoài tỉnh để cải tiến mẫu mã, kỹ thuật, cũng như khảo sát thị trường để có những bước tiến tiếp theo.

Từ những thành công ban đầu, năm 2006 anh Huy mạnh dạn thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ cơ khí Thành Lợi, từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường, anh đầu tư trọng điểm vào gia công bảo trì, sửa chữa, phục hồi chi tiết máy; cung cấp vật tư, thiết bị và phụ tùng máy nén lạnh công nghiệp. Cùng với đó, Công ty còn là đại lý ủy quyền, phân phối các sản phẩm SKF tại Cà Mau. Ngoài ra, anh Huy còn liên doanh vận chuyển, thi công lắp đặt công trình bằng xe tải cẩu. Doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho gần 40 lao động tại địa phương và những người bạn đồng hương xuống Cà Mau lập nghiệp. Trong quá trình làm nghề, anh Huy luôn quan sát, học hỏi, tìm tòi, cải tiến và sản xuất những sản phẩm không chỉ bảo đảm về chất lượng mà còn phù hợp, tiện ích giúp cho khách hàng, tiết kiệm nhân công, chi phí sản xuất.

Luôn nỗ lực với nghề, sản xuất và phục vụ những gì khách hàng cần nên những năm qua, dù ngành cơ khí gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở tạm ngừng hoạt động nhưng Công ty của anh Huy vẫn trụ vững. Đến nay, anh đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại với tổng trị giá hơn 11 tỷ đồng, phục vụ sản xuất. Khách hàng tìm đến Công ty đặt hàng ngày một đông, thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở khu vực Cà Mau mà còn mở rộng ra nhiều khu vực lân cận.

2. Nữ doanh nhân với tấm lòng thiện nguyện

Sau hơn 15 năm kinh doanh, doanh nghiệp của chị Thúy Nga nhận được nhiều giải thưởng về kinh doanh các sản phẩm trang trí nội thất đạt chất lượng cao.

H ơn 15 năm kinh doanh, chị Bùi Thúy Nga, 41 tuổi, chủ DNTN Trang trí nội thất Thúy Nga (Phường 8, TP. Cà Mau) đã tạo được uy tín trên thương trường. Và với tấm lòng thiện nguyện, chị Nga có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội địa phương.

Để trở thành nữ doanh nhân thành đạt như hôm nay, chị Thúy Nga đã phải nỗ lực hết mình trong một thời gian dài. Khi lập gia đình, dù nhà chồng khá giả, nhưng chị Nga vẫn cùng chồng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu từ việc hằng ngày chị nấu cơm thuê cho công nhân, còn chồng thì làm tài xế. Về sau, nhờ siêng năng, tiết kiệm chi tiêu nên vợ chồng chị mở được một cửa hàng trang trí nội thất nhỏ.

Vượt qua khó khăn, trở ngại ban đầu, trong sự cạnh tranh gay gắt trên thương trường, chị Nga luôn năng động, sáng tạo, chủ động nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách hàng, ký kết nhiều hợp đồng, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đến nay, DNTN Trang trí nội thất Thúy Nga đã có 3 cửa hàng. Chị Nga chia sẻ: “Cùng với tăng nguồn vốn kinh doanh, tổ chức sắp xếp sản xuất, kinh doanh một cách hợp lý, khoa học, chúng tôi quan tâm đầu tư trang thiết bị mới, tạo được niềm tin, uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng”.

Nữ doanh nhân Bùi Thúy Nga không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước; thường xuyên quan tâm, chăm lo cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn lao động, giải quyết đầy đủ chế độ và nâng cao thu nhập cho người lao động. Chị còn được nhiều người biết đến là một nữ doanh nhân có lối sống giản dị, hòa đồng và tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội. Với tâm huyết góp sức chăm lo cho những hoàn cảnh kém may mắn trong cộng đồng, chị Nga thường xuyên hỗ trợ tiền, gạo cho hộ nghèo vùng sâu, phát cơm từ thiện tại bệnh viện. Ngoài ra, thấu hiểu được hoàn cảnh của những học sinh nghèo hiếu học, chị cũng thường xuyên tham gia trao học bổng, trao xe đạp, tặng tập cho học sinh nghèo vượt khó.

Bản lĩnh, giàu lòng nhân ái, chị Nga còn được nhiều người ngưỡng mộ ở khả năng vun vén hạnh phúc gia đình. Dù công việc chiếm gần hết quỹ thời gian, nhưng chị vẫn chu toàn mái ấm, chăm sóc và dạy dỗ con cái.

3. Khát vọng làm giàu của ông chủ trẻ

Mặc dù là ông chủ của 3 cơ sở kinh doanh trang trí nội thất, vật liệu xây dựng khá quy mô tại địa phương, nhưng anh Nguyễn Văn Vũ (trái) luôn sống rất bình dân, tận tình phục vụ khách hàng.

M uốn thành công, trước hết phải có khát vọng, dám nghĩ dám làm, phải có quyết tâm làm cho bằng được”, anh Nguyễn Văn Vũ, chủ cơ sở kinh doanh nhôm, sắt, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng Vũ Lanh (xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình), chia sẻ.

Anh Vũ nhớ lại: “Đối với vợ chồng tôi, điều kiện khởi nghiệp ban đầu tương đối ổn định. Thế nhưng, sau nhiều lần thất bại với nhiều nghề: Bán dây thuốc cá, bán nước đá, xay lúa… cuộc sống gia đình không mấy ổn định, tôi phải suy tính đủ cách để kiếm sống. Bấy giờ, bản thân nhận thấy vật liệu xây dựng là mặt hàng người dân địa phương hay mua nhưng ít người kinh doanh, lợi nhuận lại khá nên tôi quyết định mở cơ sở làm thử”. Tuy nhiên, do không qua một trường lớp đào tạo nào về chuyên môn cùng kiến thức kinh doanh, nên anh cũng gặp khá nhiều khó khăn. Nhờ tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn, cùng ý chí vươn lên làm giàu, anh Vũ đã gầy dựng cơ sở kinh doanh ngày càng “ăn nên làm ra”. Kinh doanh bằng quan niệm: “Sống và làm việc phải có tâm và trách nhiệm”, các mặt hàng tại cơ sở của anh ngày càng khẳng định chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng và được nhiều khách hàng biết đến. Không bằng lòng với những thành quả hiện tại, anh Vũ luôn ấp ủ ý tưởng mở rộng quy mô sản xuất.

Không thua kém chồng, chị Lâm Kim Lanh, vợ anh Vũ, cũng giỏi giang, tháo vát và đặc biệt là rất nhạy bén trong kinh doanh. Chị Lanh đang làm chủ một cửa hàng kinh doanh mua bán vải sợi, quần áo may sẵn lớn nhất nhì tại địa phương. Buôn bán giỏi, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, đặc biệt chữ “tín” chị luôn đặt lên hàng đầu, vì thế cửa hàng của chị luôn “giữ chân” được khách hàng.

Giờ đây, ở tuổi 39, vợ chồng anh chị đã có cơ ngơi vững chắc, doanh thu mỗi tháng gần trăm triệu đồng, với 3 cơ sở kinh doanh trị giá hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn chục lao động, với mức lương từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Khi kinh tế gia đình ổn định và phát triển, vợ chồng anh Vũ còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương, thường xuyên đóng góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ biết tính toán làm ăn, anh Vũ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ thanh niên địa phương trong phát triển kinh tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *