Thêm đẹp hình ảnh bộ đội Cụ Hồ

Ông Phan Tấn Mãi (bìa trái) phấn khởi khi đàn rắn ri tượng ngày một phát triển tốt và cho thu nhập ổn định.

Cũng như nhiều thanh niên ở địa phương sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, năm 1968, ông Phan Tấn Mãi tham gia du kích xã Khánh Lâm, khi cả nước đang mở đợt tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Nhiệm vụ đầu tiên được giao là đặt mìn định hướng. Ông Mãi nhớ lại: “Lúc đó chỉ có lòng căm thù giặc, không nghĩ gì đến cái chết, chỉ mong đánh thắng giặc, giải phóng quê hương đất nước”. Kiên cường là thế, gan dạ là thế, nên khi cõng trên lưng hàng trăm quả mìn, đặc tính của mìn định hướng là có tính sát thương rất cao, nếu không cẩn thận sẽ phát nổ bất cứ lúc nào, cận kề giữa sự sống và cái chết, chàng trai trẻ Phan Tấn Mãi không hề run sợ, sát cánh cùng đồng đội vượt qua bao gian khó để góp sức giành lấy hòa bình cho dân tộc.

Gia đình ông Mãi là địa chỉ phân phối rắn giống cho những ai muốn làm giàu từ mô hình nuôi rắn.

Giờ đây, ở tuổi thất thập cổ lai hy, ký ức lúc nhớ lúc quên, ông không nhớ hết là mình đã vác bao nhiêu quả mìn và tham gia bao nhiêu trận đánh. Ông chỉ biết mình luôn tâm niệm sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở mọi hoàn cảnh. Trong tất cả các trận đánh, ông nhớ nhất là trận đối đầu với địch năm 1971, nhận được lệnh thông báo giặc sẽ đổ bộ càn quét, 12 giờ đêm ông cùng đồng đội chia nhau đặt mìn trong đêm, giữa đêm tối nhưng ý chí của những người cách mạng lại sáng lạ thường. Trận đó, ông cùng lực lượng hạ sát được nhiều tên địch và thu nhiều vũ khí.

Năm 1972, vì lý do sức khỏe, ông về công tác tại địa phương, rồi do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông phải nghỉ việc để chuyên tâm làm kinh tế. Hòa bình, 1ha đất canh tác của gia đình đã bị hoang hóa từ lâu; với tính chịu thương chịu khó, ông Mãi cùng vợ cải tạo đất để trồng lúa. Năng suất lúa lúc bấy giờ không cao nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ ý định làm nông. Khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng, ông lại ra công khai phá. Sau bao khó khăn, vất vả, gia đình ông cũng đã khai phá được thêm 2ha đất canh tác. Nhờ đó, đời sống gia đình dần ổn định.

Năm 2012, ông Mãi bàn bạc và cùng với người con trai đi tham quan mô hình nuôi rắn ri tượng để làm thử nghiệm. Với 130 con rắn ri tượng giống, thời điểm bấy giờ là 60.000 đồng/con, sau khi hao hụt thì ông Mãi vẫn giữ được 120 con giống đến nay. Rắn ri tượng mỗi năm sinh sản một lần, hiện tại đàn rắn của gia đình ông Mãi sản sinh ra khoảng 600 con giống/vụ. Mỗi con giống bán ra với giá trung bình là 70.000 đồng/con. Thu nhập từ nuôi rắn ri tượng đã giúp cho gia đình ông Phan Tấn Mãi có đời sống khá. Gia đình ông cũng đang mở rộng mô hình.

Với những thành tích trên mặt trận lao động sản xuất, cựu chiến binh Phan Tấn Mãi xứng đáng góp thêm hình ảnh đẹp về bộ đội Cụ Hồ hôm nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *