“Theo chân” hoạt động khai thác đất mặt liên tỉnh

Thời tiết nóng bức giữa trưa, từng đoàn xe tải chở đầy đất chạy tốc độ cao giữa phố phường, làm cho hoạt động lưu thông nơi đô thị vốn nhộn nhịp càng thêm bức bối. Theo đoàn xe chở đất lưu thông trên đường Nguyễn Tất Thành (Phường 8, TP. Cà Mau) sau khi vượt cầu Gành Hào, rẽ vào đường Nguyễn Đình Chiểu, đi vào đường Lê Hồng Phong, phóng viên phát hiện vị trí tập kết đất tại vị trí thuộc khu đất nằm đối diện Khu đô thị mới Nhựt Hồng (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau). 

Từ đây, phóng viên “theo chân” đoàn xe ngược lên Quảng Lộ – Phụng Hiệp, vượt gần 20km, qua địa phận tỉnh Bạc Liêu, tìm đến khu vực khai thác đất mặt mang đi bán. 

Những thửa ruộng tại xã Phong Thạnh Tây (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) được khai thác đất bán đi, biến nơi đây thành những cái ao sâu.

Như đại công trình với con đường mới mở đầy bụi. Sâu vào phía trong tuyến lộ, hàng loạt xe cuốc bốc từng thớ đất đổ lên những xe tải. Hàng loạt xe tải khác đậu gần đó cũng đang sẵn sàng chờ vào “ăn hàng”. 

Tại những điểm bán đất mặt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, hàng loạt xe tải ra, vào “ăn hàng” mang biển kiểm soát số 69 (Cà Mau), chở về Cà Mau san lấp mặt bằng.

Liên tục từng đợt xe tải ra, vào lấy đất chở đi, làm bụi tung mù mịt. Tuyến Quảng Lộ – Phụng Hiệp vốn vắng vẻ xe lưu thông vì mặt đường xuống cấp, nay giữa trưa mà vẫn “nhộn nhịp” những đợt xe tải chở đất. 

Chị Thủy, nhà ở cạnh khu vực khai thác đất mặt, nói: “Nhiều lắm, họ làm cả ngày lẫn đêm, làm cho khúc đường vắng vẻ này nay thấy nhộn nhịp hơn”. 

Một phương tiện “ăn hàng” ở Bạc Liêu đang di chuyển về Cà Mau.

Tìm hiểu được biết, vị trí mà chúng tôi đề cập ở trên là khu đất hàng chục ngàn mét vuông của ông Năm Trung (Ấp 6, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Đất của ông trước đây trồng lúa, sau đó vì xâm mặn mà chuyển sang nuôi tôm quảng canh truyền thống trên ruộng lúa như mọi hộ dân ở đây. Sau bao mùa thất bát vì không chủ động được nguồn nước đủ mặn vốn nằm sâu trong nội đồng, ông Trung tính đến việc cải tạo diện tích đất thành ao nuôi thủy sản. Theo đó, ông thuê xe cuốc nạo vét hai bên mặt ruộng, dồn đất tạo thành một đường cao chạy dài giữa thửa đất để phương tiện có thể vào “ăn đất”.  Xe cuốc bốc đất cứ lùi dần ra mặt lộ, tạo diện tích đất vốn là mặt ruộng thành ao sâu nuôi thủy sản. Số lượng đất được bốc đi lên đến hàng trăm khối, được các “thầu” chở đi bán lại cho các cá nhân có nhu cầu lấp nền. 

Tại Ấp 6, xã Phong Thạnh Tây, không chỉ có hộ ông Trung mà còn có khá nhiều người khác thỏa thuận bán đất mặt với các “thầu”, biến đất ruộng thành những cái ao lớn, lượng xe chở đất về Cà Mau vì thế “nườm nượp” hơn mức bình thường. 

Theo chân đoàn xe “ăn hàng” tại Bạc Liêu, chúng tôi ghi nhận có phương tiện “xả hàng” tại Ấp 6, xã Tân Thành; có xe thì rẽ vào Khu dân cư Happy Home. Đáng chú ý là từng đoàn xe chở đầy đất đi xuyên qua trung tâm TP. Cà Mau từ sáng sớm đến chiều muộn giữa dòng xe cộ đông đúc, kể cả vào giờ cao điểm. 

Một phương tiện “xả hàng” tại Ấp 6, xã Tân Thành, TP. Cà Mau.Hai phương tiện chở đất từ Bạc Liêu đang tiến vào TP. Cà Mau tại vị trí cầu Cái Nhúc, phường Tân Thành.Một phương tiện “xả hàng” đắp nền tại vị trí đối diện Khu đô thị Nhựt Hồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *