Thi hành pháp luật xử phạt vi phạm hành chính: Cần đúng và chuẩn

Nhiều hạn chế

Theo ông Trần Hoàng Lộc, thông qua công tác kiểm tra thực thi pháp luật về XPVPHC năm 2019 cho thấy, các địa phương, sở, ngành tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc đưa luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong triển khai thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Đối với một số địa phương cấp huyện, trong đó có huyện Ngọc Hiển, qua kiểm tra cho thấy việc theo dõi, đôn đốc thi thành quyết định XPVPHC chưa kịp thời; chưa phân công cơ quan chuyên môn (Phòng Tư pháp) làm đầu mối theo dõi việc thực hiện công tác này, chủ yếu là giao cho cơ quan lập hồ sơ đề nghị xử phạt thi hành. Số quyết định XPVPHC chưa thi hành còn nhiều.

Đối với việc lập hồ sơ XPVPHC một số trường hợp vẫn còn sai sót. Cụ thể là biên bản vi phạm hành chính gồm nhiều tờ nhưng chưa thực hiện đúng việc ký tên vào từng tờ của biên bản theo quy định tại khoản 3, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012. Biên bản vi phạm hành chính ghi nhận quyền giải trình của đối tượng vi phạm nhưng không thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Điều 61 của luật này.

Thông qua hoạt động kiểm tra, ghi nhận một số hạn chế trong công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thêm vào đó, hồ sơ XLVPHC có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, nhưng chưa xác định được giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt theo Điều 60 Luật XLVPHC năm 2012 nhưng đã ban hành quyết định xử phạt là chưa phù hợp với quy định. Quyết định xử phạt không ghi số tài khoản của đơn vị được giao nhiệm vụ thu phạt đối tượng nộp phạt. Hồ sơ XLVPHC lưu trữ chưa khoa học, chưa đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định; chưa có tài liệu chứng minh quyết định đã thi hành xong.

Tại TP. Cà Mau, qua công tác kiểm tra cũng cho thấy, việc lưu trữ thiếu nhiều thành phần hồ sơ, trong XLVPHC nhiều lĩnh vực thiếu chặt chẽ. Xử phạt đối với hành vi đá gà, đánh bài, đây là trường hợp bắt người có hành vi vi phạm quả tang, tuy nhiên trong quá trình xử lý chuyển từ hình sự sang xử phạt hành chính thì quy trình chuyển đổi lại không phù hợp. Bắt người có lệnh bắt nhưng khi thả người thì không có một văn bản nào thể hiện… Việc giám sát kết quả thi hành quyết định xử phạt hành chính chưa được thể hiện nhiều trên thực tế, thiếu dấu hiệu nhận biết hồ sơ được thi hành… Đối với các hồ sơ lưu cũng cho thấy, nhiều quyết định XPVPHC chưa được thi hành.

Trước những hạn chế trong công tác thi hành pháp luật XLVPHC trên địa bàn tỉnh, ông Trần Hoàng Lộc cho rằng: “Để công tác này hiệu quả hơn, các địa phương, sở, ngành tỉnh cần phải quan tâm hơn công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm: Đất đai, xây dựng… Đối với các đơn vị chuyên môn, cần phải nghiên cứu sâu hơn Luật XLVPHC, các nghị định có liên quan để tham mưu xử lý kịp thời, đúng quy định. Chỉ đạo chấn chỉnh các hạn chế trong khâu lập hồ sơ xử phạt, phân công cơ quan chuyên môn tham mưu theo dõi việc thực hiện các quyết định xử phạt đã ban hành…

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hoàng Lộc thông tin: “Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác thi hành pháp luật XPVPHC trên địa bàn. Đáng lưu ý là phải sớm khắc phục những hạn chế”.

Việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định.

Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về XLVPHC

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2020/NĐ-CP kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về XLVPHC. Nghị định này quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về XLVPHC.

Mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về XLVPHC; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về XLVPHC; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về XLVPHC để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.

Bên cạnh đó, phòng chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về XLVPHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về XLVPHC.

Đồng thời, phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về XLVPHC hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Việc kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về XLVPHC phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Đồng thời, phải bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, không trùng lặp với hoạt động thanh tra, kiểm tra khác đối với một đơn vị trong cùng thời gian; không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra. Kết hợp giữa việc tự kiểm tra của đối tượng được kiểm tra với việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.

Kết luận kiểm tra phải được đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chấp hành đầy đủ và đúng thời hạn. Các sai phạm, kiến nghị, yêu cầu trong kết luận kiểm tra phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng việc và tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm. Kết luận kiểm tra phải được người có thẩm quyền kiểm tra theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Chủ thể có thẩm quyền kiểm tra và đối tượng được kiểm tra được xác định trên cơ sở nguyên tắc của hoạt động quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn, lãnh thổ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *