Thới Bình 64 năm xây dựng và phát triển

Các công trình tại trung tâm thị trấn được triển khai thi công, hướng tới Kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập huyện Thới Bình. (Ảnh: Đường vào trung tâm thị trấn Thới Bình được chỉnh trang)

“Năm 1954, chính quyền Diệm thẳng tay bắt bớ, bắn giết, tịch thu tài sản đất đai của những người kháng chiến chống Pháp; cưỡng ép dân phải rời nhà, ruộng vườn ra ấp chiến lược để dễ kiểm soát, kềm kẹp, vơ vét, đánh phá cơ sở cách mạng, bắn giết cán bộ, đàn áp nhân dân rất tàn bạo. Chúng còn còn xây dựng một số tổ chức chính trị phản động để thực hiện âm mưu thúc ép “toàn dân chống cộng”. Để kịp thời đối phó với âm mưu hành động của địch, Tỉnh ủy chủ trương chia tách huyện Cà Mau Bắc ra thành 2 huyện: Thới Bình và Trần Văn Thời. Quyết định thành lập huyện Mười Cư, nay là huyện Thới Bình, được triển khai vào ngày 20/6/1956. Sau khi được tách ra, địa giới hành chính huyện Thới Bình có 6 xã, 1 thị trấn. Đảng bộ và nhân dân Thới Bình cùng cả nước tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam đến ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước”, ông Huỳnh Văn Thanh, cán bộ hưu trí, cho biết.

Tiếp tục phát huy truyền thống huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 12,71%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực: Khu vực ngư – nông nghiệp chiếm 57,03%; thương mại dịch vụ 32,21%; công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có bước phát triển, chiếm 10,76 %. Thu ngân sách trong 5 năm đạt 379,89 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Duy trì phát triển nghề truyền thống, tạo điều kiện phát triển kinh doanh, dịch vụ ngày càng vững mạnh.

Thu hoạch tôm càng xanh trái vụ tại xã Trí Lực. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ: Hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng được kiên cố hóa, thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, toàn huyện có hơn 630km lộ bê tông và lộ nhựa, chiếm hơn 89,26% so tổng các tuyến đường nông thôn, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, có 6/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, đã trở thành phong trào rộng khắp của nhân dân trong huyện. Đến nay có 11/11 xã được đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã và đã đi vào hoạt động, 104/104 ấp, khóm đều có trụ sở sinh hoạt văn hóa hoạt động thường xuyên, với đầy đủ các thiết chế văn hóa, nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững được thực hiện. Việc thực hiện nếp sống văn minh có sự chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị ổn định, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Mô hình trồng rau màu của bà con nông dân xã Trí Phải. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Ông Lê Bình Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy: “Toàn huyện có 12 xã, 1 thị trấn, dân số khoảng 32 ngàn người, có truyền thống lịch sử văn hóa, kiên cường bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc, có 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có bản sắc riêng, nhưng có điểm chung là cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, có nghị lực vượt khó vươn lên, giàu lòng nhân ái trong cuộc sống, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, đất đai nhiễm phèn mặn, sản xuất độc canh cây lúa, hệ thống thủy lợi không đảm bảo, kênh mương bồi lấp, trên bờ sậy um tùm. Việc đi lại của người dân chủ yếu bằng phương tiện thủy. Cái nghèo luôn đeo bám người dân, nhất là mùa giáp hạt, tình trạng thiếu đói liên tục hàng chục năm liền, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện chỉ còn 2,96%”.

Từ những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, nhân dân huyện Thới Bình tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *