Thới Bình: Nỗ lực để về đích huyện nông thôn mới

Có lợi thế là huyện điểm xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2001 – 2010, từ năm 2016 Thới Bình được UBND tỉnh chọn làm huyện điểm để xây dựng huyện NTM. Đề án xây dựng huyện Thới Bình đạt chuẩn NTM được tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2018.

Thới Bình phấn đấu về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Nhiều “bài toán” khó

Phó Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, ông Nguyễn Xuân Sơn đánh giá: “Huyện Thới Bình còn khối lượng công việc rất nhiều, đường về đích huyện NTM còn nhiều khó khăn, nhất là ở các xã. Huyện cần tập trung hơn việc phân công, phân việc, phân cấp rõ ràng cho từng cá nhân cụ thể để theo sát từng tiêu chí. Có như thế huyện mới có thể kịp về đích vào cuối năm 2020”.

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Thới Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong nhân dân, đồng thời đưa kế hoạch xây dựng NTM vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội tổng thể của huyện. Trong đó, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM; coi trọng việc phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện Đề án, đến nay huyện Thới Bình đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM, gồm:  Thủy lợi, sản xuất, an ninh và trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM. Còn lại 5 tiêu chí chưa đạt: Quy hoạch, giao thông, điện, y tế – văn hóa – giáo dục, môi trường. Để đủ điều kiện đạt chuẩn NTM vào năm 2020 thì đến cuối năm nay, huyện phải đạt 6/9 tiêu chí, do đó địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ cho huyện thực hiện 2 nội dung trong năm là: Xây dựng Trường THPT Tân Bằng đạt chuẩn Quốc gia và quy hoạch vùng huyện.

Ông Lý Minh Vững, Phó Chủ tịch UBND huyện: “Để đạt huyện NTM thì phải xây dựng thị trấn Thới Bình đạt chuẩn văn minh đô thị, hiện thị trấn mới chỉ đạt 1/4 tiêu chí. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra, địa phương còn rất nhiều khó khăn”. Cụ thể, các tiêu chí chưa đạt của thị trấn là: Về phát triển kinh tế, quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy hoạch; văn hóa – xã hội; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị.

Tại xã Tân Phú, năm nay huyện đã bố trí kinh phí từ nguồn vốn đầu tư công, lồng ghép nguồn vốn Trung ương hỗ trợ phát triển đất trồng lúa, vốn hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2019, vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM… để đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi trên địa bàn xã. Về cơ bản, hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con. Băn khoăn nhất là hạ tầng giao thông, khi toàn xã chưa có tuyến nào từ 2,5m trở lên. Để đạt 20% lộ có chiều rộng từ 2,5m trở lên, cần đầu tư xây mới và nâng cấp mở rộng 5 tuyến với chiều dài 26,4km.

“Thới Bình còn vướng một số tiêu chí khó như trường học và giao thông nông thôn, đang cần nguồn vốn phân bổ rất lớn từ Trung ương, vì nguồn kinh phí của huyện hạn chế, không thể cân đối để đầu tư cho các tiêu chí này”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Minh Vững chia sẻ.

Ngoài ra, hiện thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Để đạt chuẩn huyện NTM, phải phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người theo lộ trình hàng năm, cụ thể như năm nay phải tăng lên mức 45 triệu đồng/người/năm. Đây là bài toán khó đối với địa phương.

Ông Vững cho biết, huyện chỉ đạo các địa phương tích cực vận động nhân dân tăng gia sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, phấn đấu cuối năm nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45,5 triệu đồng/người/năm. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh mục, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với tình hình sản xuất của nông dân trên từng vùng cụ thể và phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở các lớp tập huấn chuyên đề để hướng dẫn người dân sản xuất, tăng thu nhập.

Địa phương sẽ khoanh vùng sản xuất, hướng đến những sản phẩm bền vững để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế huyện.

Phải nỗ lực không ngừng

Dự kiến Quý II/2019, huyện sẽ đề xuất công nhận NTM đối với 3 xã: Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc Bắc và Tân Lộc Đông, đây là các xã nằm trong kế hoạch của năm 2018. Riêng 3 xã của kế hoạch năm 2019, hiện Tân Phú đạt cao nhất với 13/19 tiêu chí, hai xã Thới Bình và Biển Bạch đều đạt 11/19 tiêu chí. Như vậy, theo lộ trình, đến năm 2020, Thới Bình sẽ có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Với những tiêu chí “mềm” như môi trường, huyện chỉ đạo các địa phương phải thực hiện kiên trì công tác tuyên truyền, vận động, các ban, ngành và đoàn thể phải xây dựng kế hoạch cụ thể ở các xã, các ấp: Mỗi tuần phải có 1 ngày cao điểm xuống đường thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, nhằm nâng cao ý thức, góp phần thay đổi thói quen của người dân.

Qua báo cáo và khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay nguồn rác thải trên địa bàn huyện tương đối lớn do tốc độ phát triển đô thị. Trong hai năm 2017 – 2018, lượng rác thải phát sinh dao động khoảng 15 – 20 tấn/ngày đêm; chủ yếu từ 2 nguồn: Rác từ các hộ gia đình và rác thải từ các tổ chức. Để hoàn thiện tiêu chí môi trường, trong thời gian tới, huyện sẽ đầu tư xây dựng các bãi tập kết rác và thu gom rác thải trên địa bàn 5 xã: Tân Lộc Đông, Thới Bình, Biển Bạch Đông, Tân Bằng và Biển Bạch, để huyện bố trí xe thu gom đến tận nơi.

Để sớm hoàn thiện bức tranh huyện NTM, Thới Bình tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân về xây dựng NTM. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù ở địa phương. Chăm lo đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập lao động nông thôn. Xây đựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững quốc phòng – an ninh trên địa bàn, phấn đấu đưa huyện “cán đích” huyện NTM vào cuối năm 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *