Thủ tục hành chính nhiều nơi “tự biên tự diễn”

Thời gian qua, tình trạng làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cần có giấy xác nhận của trưởng ấp/khóm đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Một trường hợp có thật xảy ra trên địa bàn TP. Cà Mau: Một phụ nữ cùng chồng mới cưới đến UBND phường làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Đến đây, chị được cán bộ Tư pháp – hộ tịch hướng dẫn về khóm để lấy xác nhận của trưởng khóm là chị còn độc thân, rồi UBND phường sẽ làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho chị. Khi đã xin được giấy xác nhận của trưởng khóm, lúc đến UBND phường, thì được Chủ tịch UBND phường xác nhận vào đó với nội dung chỉ là chứng thực chữ ký của trưởng khóm đó (?!).

Tại buổi đối thoại, ông Phạm Quốc Sử yêu cầu xã Trí Lực nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung nên ngưng ngay việc ban hành những quy định trái với quy định của pháp luật.

Rõ ràng xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường không một nội dung nào liên quan đến tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu làm giấy. Còn việc người đó có độc thân hay không thì trưởng ấp, khóm hoàn toàn chịu trách nhiệm. Việc này có lẽ UBND xã/phường thời gian qua hoàn toàn khoán trắng cho trưởng ấp/khóm.

Liên quan đến việc UBND các xã/phường tự đưa ra những quy định ngoài quy định của cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) như trường hợp trên, ông Phạm Quốc Sử, Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC thuộc Sở Tư pháp: “Chuyện này hoàn toàn là sự thật, xảy ra nhiều trên lĩnh vực tư pháp – hộ tịch, đất đai. Việc tự đặt ra thêm một loại giấy tờ ngoài quy định là văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân của trưởng ấp, khóm như trên là một hành vi không được làm”.

Việc yêu cầu người dân xuất trình loại giấy tờ không có trong quy định, cán bộ Tư pháp – hộ tịch không chỉ vi phạm quy định về những việc không được làm, mà còn thể hiện sự thiếu ý thức trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Ông Sử cho biết thêm: Hiện tại, không một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định trưởng các ấp/khóm có chức năng, nhiệm vụ cấp văn bản xác nhận về tình trạng hôn nhân của người dân. Đồng thời trong nghiệp vụ đăng ký và quản lý hộ tịch, việc xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện bằng cách tra cứu sổ đăng ký kết hôn được lưu trữ tại cơ quan quản lý hộ tịch. Trong trường hợp cần xác minh thì cán bộ Tư pháp – hộ tịch phải tự mình thực hiện việc xác minh chứ không thể giao trách nhiệm cho người khác. Do đó, văn bản xác nhận của trưởng các ấp/khóm nếu có thì cũng chỉ được coi là nguồn thông tin tham khảo, chứ không thể coi là căn cứ để xác nhận tình trạng hôn nhân cho một người. Mặt khác, nếu cần có thông tin của trưởng ấp/khóm thì cán bộ Tư pháp – hộ tịch phải tự thực hiện chứ không thể buộc người dân phải làm thủ tục mà pháp luật không quy định.

Về quyền hạn và nhiệm vụ của trưởng ấp/khóm, đã được quy định rõ tại Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 của Bộ Nội vụ ban hành Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn (khóm, ấp, làng, buôn, bản), tổ dân phố. Cụ thể, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm vụ bảo đảm các hoạt động của thôn, tổ dân phố. Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố. Triển khai những nội dung do cộng đồng dân cư của thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp. Tổ chức nhân dân trong thôn, tổ dân phố thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và những nhiệm vụ do cấp trên giao, nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Vận động và tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tổ chức và thực hiện quy chế, quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố không trái với quy định của pháp luật. Đồng thời phải tập hợp những ý kiến, kiến nghị của người trong dân thôn, tổ dân phố để kịp thời kiến nghị lên cấp trên giải quyết.

Tại buổi đối thoại trực tiếp với trưởng ấp và cán bộ, công chức tại UBND xã Trí Lực, huyện Thới Bình, do UBND xã Trí Lực tổ chức ngày 18-6 vừa qua, việc trưởng ấp tham gia trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã là một vấn đề rất được nhiều người quan tâm. Tại đây, nhiều trưởng ấp cũng đã thừa nhận thời gian qua đã có ký, thậm chí ký nhiều giấy xác nhận cho người dân, chủ yếu trên lĩnh vực tư pháp – hộ tịch và đất đai. Nhằm giúp cán bộ, công chức đang thực hiện nhiệm vụ tại UBND xã Trí Lực và các trưởng ấp trên địa bàn xã hiểu rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Quốc Sử đã phân tích một cách rạch ròi từng nội dung, nêu rõ đây là việc làm sai quy định, trưởng ấp không phải là công chức nên không thể tham gia giải quyết các TTHC phát sinh trên địa bàn. Đồng thời ông Sử cũng yêu cầu UBND xã ngưng ngay những quy định ngoài danh mục, thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm. Cán bộ, công chức trong giải quyết các TTHC nên bám sát vào những bộ thủ tục đã được UBND tỉnh phê duyệt và công bố, không nên tự ý ban hành những quy định mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *