Thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa: Thấy nhỏ, nhưng tầm ảnh hưởng lớn

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Kiên Cường (người chủ trì, người ngồi) tham gia làm việc tại buổi đoàn giám sát Ban Kinh tế – Ngân sách gặp gỡ người trồng lúa tìm hiểu việc thụ hưởng chính sách tại Ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

NHỮNG CON SỐ… BẤT NHẤT

Trên cơ sở tổng hợp của ba huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và TP. Cà Mau, Báo cáo số 1036 do Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT;) Nguyễn Văn Tranh ký ban hành ngày 21/10/2016 đưa con số tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 42 đến nay là trên 244,8 tỷ đồng và địa phương thực hiện nhiều nhất là huyện U Minh với trên 141,7 tỷ đồng, trong khi đó huyện Trần Văn Thời chỉ có trên 44,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau đó, Sở này đã điều chỉnh lại con số, giảm xuống chỉ còn trên 91 tỷ đồng. Sự bất nhất thông qua những con số từ nguồn hỗ trợ có sự “chênh” nhau trong cùng văn bản của Sở, giữa tỉnh và các địa phương thực hiện.

Các chính sách cần được kịp thời đến tay người thụ hưởng, góp phần phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, hiện đại.

Thống kê lần lượt nguồn chi của tỉnh đối với địa phương qua từng năm, ông Dương Hữu Tảng – Phó Giám đốc Sở Tài chính so sánh con số kinh phí mà huyện Thới Bình thực hiện với con số nguồn vốn mà Sở này cấp cho địa phương trong 3 năm qua, lệch nhau đến hơn 3 tỷ đồng. Cụ thể, tỉnh nói đã chi cho địa phương này khoảng 12 tỷ đồng, song huyện báo cáo đã cấp cho người trồng lúa khoảng 9 tỷ đồng. Nhìn nhận thực tế này, ông Lý Minh Vững – Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết sẽ… điều chỉnh con số lại để cho khớp với con số của tỉnh nêu ra.

Theo phân tích của ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, sau khi điều chỉnh con số từ báo cáo của Sở NN&PTNT; thì cũng có sự mâu thuẫn giữa nguồn chi và diện tích hỗ trợ. Huyện U Minh hỗ trợ cho 119 ngàn hecta với số tiền trên 11,7 tỷ đồng, như vậy mỗi hecta chỉ được hỗ trợ dưới 100 ngàn đồng (100 ngàn đồng/ha đối với lúa khác), trong khi địa phương có nhiều diện tích chuyên trồng lúa, kể cả lúa 2 vụ. Còn đối với huyện Trần Văn Thời, hỗ trợ cho trên 98 ngàn hecta nhưng với số tiền lên đến hơn 64 tỷ đồng, điều này cho thấy toàn bộ diện tích hỗ trợ đều là đất trồng lúa 2 vụ (500 ngàn đồng/ha), trong khi trên địa bàn có lúa 1 vụ và lúa khác (lúa – tôm).

Lý giải về các con số này, ông Nguyễn Văn Tranh cho rằng đơn vị rất khó tổng hợp, các con số nêu ra chỉ mang tính chất… kham khảo. Trước thực tế này, ông Lê Thanh Triều – Giám đốc Sở NN&PTNT;: Các địa phương là đơn vị quản lý nhà nước, trực tiếp phân khai nguồn vốn hỗ trợ, mà khi báo cáo những con số luôn mâu thuẫn nhau thì không thể chấp nhận được.

THỦ TỤC QUÁ RƯỜM RÀ?

Qua trên 3 năm thực hiện Nghị định 42, huyện Trần Văn Thời chi hỗ trợ còn dư gần 41 triệu đồng, trong khi đã hết thời gian hiệu lực. Nhiều năm liền đơn vị này chuyển nguồn chi mỗi năm hàng trăm triệu đồng, nhất là năm 2013 chuyển nguồn sang năm sau trên 566 triệu đồng. Nguyên nhân được địa phương đưa ra là do một số hộ dân kê khai diện tích cao hơn con số thực, kê khai trùng, kê khai không đúng diện tích được nhận hỗ trợ. Địa phương này cũng cho rằng đã thông báo cụ thể đến từng hộ dân, nhưng một số trường hợp hộ sản xuất lúa trên đất nuôi tôm (đất lúa khác) được hỗ trợ quá thấp nên người dân không đến nhận. Đây là tình hình chung, đã diễn ra tại các địa phương khác.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tranh: Do mức hỗ trợ thấp, dàn trải, manh mún, không tập trung nên không thể hiện rõ tính chất đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Tranh cũng cho hay, từ năm 2012 đến nay, chưa có địa phương nào trong tỉnh xây dựng phương án thực hiện về khai hoang phục hóa để được nhận hỗ trợ vì cho rằng thủ tục quá rườm rà, khó thực hiện; tập trung nhiều ở huyện Trần Văn Thời. Liên hệ giữa các vấn đề trên, nhất là phần diện tích được cho rằng người dân “kê khai không đúng diện tích được hỗ trợ (đất ban vườn – PV)” không được nhận hỗ trợ, là do ngành chuyên môn và chính quyền địa phương không triển khai, hướng dẫn người dân xây dựng phương án, kê khai khai hoang phục hóa và cũng chưa hiểu rõ, hiểu đúng về tinh thần chỉ đạo của Nghị định 42.

Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa nước, 500 ngàn đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác; hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đất khai hoang, cải tạo đất trồng lúa.

THIỆT THÒI CHO NGƯỜI TRỒNG LÚA!

Nghị định 42 đã hết hiệu lực vào cuối năm 2015, Chính phủ tiếp tục triển khai Nghị định 35 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, cùng với đó là Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về thực hiện vấn đề này đã được triển khai từ tháng 1/2016. Tuy nhiên, đến nay ngành Nông nghiệp vẫn chưa tham mưu UBND tỉnh lập dự toán để được hỗ trợ, dẫn đến hiện nay chưa có nguồn cấp từ Trung ương, khả năng năm 2017 cũng sẽ không được cấp hỗ trợ. Đây là một thiệt thòi lớn đối với người trồng lúa tại địa phương, vì nguồn hỗ trợ theo Nghị định mới này lớn hơn Nghị định 42.

“Chính sách hỗ trợ trong quản lý, sử dụng đất trồng lúa thấy nhỏ, nhưng tầm ảnh hưởng rất lớn”, ông Trần Ngọc Diệp nhấn mạnh và đề nghị cần có tổng kết thực hiện Nghị định 42, làm cơ sở đánh giá lại tình hình, đề ra giải pháp thực hiện Nghị định 35 trong thời gian tới được tốt hơn, không chỉ góp phần giúp người trồng lúa sản xuất hiệu quả, xây dựng nông thôn mới mà còn đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện ngày càng chịu sự tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, trên cơ sở nguồn phân bổ của Trung ương hằng năm, tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa từ năm 2013 – 2015 với tổng kinh phí trên 172 tỷ đồng, tại các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn và TP. Cà Mau. Trong đó nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời với trên 105 tỷ đồng và thấp nhất là Năm Căn chỉ có gần 17 triệu đồng, Phú Tân trên 28 triệu đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *