Thực hiện mô hình “Một cửa điện tử” cần sớm hoàn thiện bộ thủ tục liên thông

Với mô hình “Một cửa điện tử”, người dân đến làm các thủ tục hành chính (TTHC) chỉ cần nộp hồ sơ tại một cửa giao dịch và nhận kết quả cũng tại cửa giao dịch đó. Ngoài ra, người dân cũng có thể biết tình trạng hồ sơ của mình chỉ với vài cái nhấp chuột trên máy tính hoặc tin nhắn trên điện thoại. Cái hay của mô hình này là bất cứ lúc nào lãnh đạo đơn vị cũng có thể kiểm tra tiến độ hoạt động của các bộ phận có liên quan, từ đó tránh được tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, làm chậm tiến độ giải quyết hồ sơ của người dân.

Phần mềm trên đã triển khai cho 8 sở, ngành cấp tỉnh, 3 huyện và 4 đơn vị cấp xã, thị trấn. Phần mềm xây dựng theo dạng công cụ (Tools) để các đơn vị có thể chủ động thay đổi quy trình, hoàn thiện, cải tiến bộ TTHC theo từng thời gian và mức độ áp dụng trực tuyến phù hợp.

Giảm thời gian ghi chép sổ sách của cán bộ tiếp nhận và trả kết quả, là một trong nhiều lợi ích mà mô hình “Một cửa điện tử” mang lại.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có các sở: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng; UBND xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước); UBND thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) đã tiếp nhận hồ sơ. Các đơn vị còn lại: Sở Y tế còn một số TTHC đang trình UBND tỉnh phê duyệt; Sở Nội vụ hiện đang còn cập nhật lại một số thủ tục; UBND huyện Trần Văn Thời chưa tiếp nhận trực tiếp trên phần mềm; UBND huyện Năm Căn, phần lớn cán bộ không nhớ cách sử dụng nên chưa triển khai…

Theo kế hoạch đặt ra, từ ngày 1/4/2016, đơn vị thụ hưởng chính thức tiếp nhận hồ sơ trên phần mềm. Tuy nhiên, hiện tại, các thủ tục liên thông chưa xác định rõ ràng, do chưa thống nhất bộ thủ tục giữa các đơn vị và các cấp (huyện/xã). Hình thức thanh toán trực tuyến chưa được kích hoạt, do cơ chế hành chính. Thêm vào đó là cơ sở vật chất cấp huyện chưa đủ đáp ứng cho cán bộ sử dụng phần mềm.

Ông Trần Quốc Chính, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Áp dụng mô hình “Một cửa điện tử” góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc; công khai, minh bạch hồ sơ, quy trình, thời gian giải quyết thủ TTHC của tổ chức, công dân và giảm thời gian ghi chép sổ sách của cán bộ tiếp nhận và trả kết quả so với trước. Mặc dù khi mới áp dụng mô hình, ở một số đơn vị bước đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của CUSC (Trung tâm Công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ) tin rằng mô hình này sẽ đi đến thành công”.

Ông Chính nhận định rằng đây sẽ là tiền đề để tiến tới xây dựng Trung tâm Giải quyết TTHC của tỉnh Cà Mau, gắn với quá trình cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả hơn so với việc tổ chức một cửa phân tán như hiện nay. Đồng thời, tạo bước đột phá trong cải cách TTHC công, phục vụ thiết thực cho tổ chức, công dân trong thực hiện TTHC. “Việc thực hiện mô hình đã thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư”, ông Chính chia sẻ.

Theo kế hoạch cải cách hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt, định hướng đến năm 2020 sẽ có 100% văn bản không mật trình UBND tỉnh dưới dạng điện tử; 100% các văn bản, tài liệu trao đổi trong từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 50% trong số thủ tục đó thực hiện ở mức độ 4; 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 95% số doanh nghiệp nộp thuế qua mạng; 95% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội; tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 30%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư quan mạng đạt 20%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *