Thực hiện nghiêm Nghị định 42 của Chính phủ

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép tuy đã giảm nhiều so với các năm trước, nhưng vẫn còn xảy ra. Từ đó, dẫn đến thiệt hại không nhỏ về kinh tế, tài sản của ngư dân cũng như uy tín của Việt Nam trong công tác ngoại giao đối với các nước trong khu vực; ảnh hưởng rất lớn đến sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu. Nếu không xử lý quyết liệt hơn các trường hợp vi phạm và khắc phục các tiêu chuẩn chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) của Ủy ban Châu Âu yêu cầu, thì thủy sản Việt Nam có nguy cơ sẽ bị thẻ đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường các nước liên minh Châu Âu bị cấm vĩnh viễn.

Thời gian tới, ngành chức năng sẽ “mạnh tay” hơn đối với các phương tiện khai thác hải sản không đúng quy định. (Ảnh minh họa)

Để ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực từ ngày 5/7/2019. Theo đó, sẽ phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng, tổ chức cá nhân có hành vi môi giới, đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển quốc gia hoặc lãnh thổ khác. Theo Nghị định này, hành vi vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, kèm theo hình thức bổ sung là tước bằng thuyền trưởng, tước giấy phép khai thác từ 6 – 12 tháng, bồi thường hoàn toàn chi phí đưa công dân về nước nếu bị nước ngoài bắt giữ.

Tại tỉnh Cà Mau, đã qua, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt nhiều phương tiện vi phạm. Trong đó, mức phạt cao nhất là 1,029 tỷ đồng đối với ông Hứa Chí Tâm (ngụ ấp Ô Rô, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển). Ông Tâm bị phạt vì khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quốc gia khác mà không có giấy phép, đã vi phạm tại điểm b, khoản 3, Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, ông Tâm còn bị phạt 17,5 triệu đồng vì sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn đối với tàu cá có chiều dài lớn từ 12m trở lên khi hoạt động khai thác thủy sản; bị phạt thêm 4 triệu đồng về hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp. Đồng thời, quyết định xử phạt cũng bắt buộc ông Tâm phải chịu toàn bộ chi phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước. Đây là chủ tàu đầu tiên trên địa bàn tỉnh bị mức phạt cao nhất từ trước đến nay. Qua đó, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ cũng như của tỉnh Cà Mau về vấn đề này.

Tuy nhiên, dù ngành chức năng đã quyết liệt chỉ đạo, nhưng khâu phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống khai thác IUU có đôi lúc còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và chưa quyết liệt.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Công Bằng thì cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, nội dung tuyên tuyền phải thật ngắn gọn, dễ hiểu; lồng ghép tổ chức tuyên truyền theo hình thức mở lớp tập huấn, đối thoại trực tiếp với các thành phần có liên quan. Bên cạnh đó là đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng của lực lượng báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền. Sau khi kết thúc tập huấn, tuyên truyền thì lập danh sách, ký cam kết đã nắm, hiểu rõ các nội dung và chấp hành thực hiện đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá, xem xét và tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị với Chính phủ sửa đổi bổ sung một số văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản cho phù hợp với tình hình thực tế khi triển khai tại địa phương. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian đã qua. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ bộ phận trực tiếp thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm.

Ông Châu Công Bằng nhấn mạnh, quan trọng hơn hết là từng cơ quan, đơn vị phải thật sự vào cuộc, quyết liệt triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP nêu rõ: Phạt tiền từ 300 – 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m theo quy định; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, trừ trường hợp bất khả kháng.

Phạt tiền từ 500 – 700 triệu đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên để chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản từ tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản, giấy phép hết hạn hoặc hỗ trợ hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản cho tàu được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, trừ trường hợp bất khả kháng; che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn; tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực; sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực; sử dụng tàu cá vi phạm quy định về quản lý và bảo tồn tại vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của các Tổ chức nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên; che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm; khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép trong trường hợp tái phạm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *