Thực hiện toàn diện và hài hòa an sinh xã hội và phát triển văn hóa xã hội

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, bà Trương Linh Phượng cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Cà Mau đào tạo và bồi dưỡng truyền nghề cho hơn 36.200 lượt người, vượt 3,6% kế hoạch và tăng 2,6% so với cùng kỳ, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề (không tính truyền nghề) đạt 44%. Giải quyết việc làm cho hơn 38.700 lao động (60 lao động nước ngoài), vượt 2% kế hoạch và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2017. Quý I/2019, tỉnh giải quyết việc làm cho gần 2.900 lao động, xuất khẩu lao động theo hợp đồng sang Nhật Bản, Hàn Quốc được 48 trường hợp.

Theo đó, đoàn công tác Trung ương lần lượt tìm hiểu về chính sách đối với người có công; công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em…

Kiên quyết không để “lọt” danh sách người có công

Trong Quý I/2019, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận gần 800 hồ sơ người có công, thẩm định và trả kết quả trên 600 hồ sơ; thực hiện tốt việc chi trả các chế độ, chính sách cũng như chăm lo về sức khỏe, nhà ở người có công theo quy định đến cuối năm 2018, tỉnh đã hoàn thành sửa chữa và xây mới 3.954/5.308 căn nhà theo Quyết định 22 của Chính phủ và hiện tiếp tục triển khai 538 căn nhà theo quyết định trên cho người có công tại địa phương.

Tỉnh cũng thẩm định và ra quyết định công nhận hưởng trợ cấp cho 2.513 đối tượng người có công theo quy định, nâng tổng số người có công đang hưởng các chế độ, chính sách của tỉnh hiện nay hơn 108.200 người.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ quan điểm về chính sách đối với người có công, tuyệt đối xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi từ chính sách đối với người có công; đồng thời, nhắc nhở địa phương cần dứt khoát, rõ ràng và minh bạch trong khâu thẩm định hồ sơ, hồ sơ nào không đạt cần trả lời nhanh, hồ sơ nào thiếu thì cần liên hệ bổ sung và trình về Bộ trước tháng 5, để Bộ làm cơ sở trình với Chính phủ.

Đối với 2 hồ sơ của ông Đặng Thành Học và Nguyễn Văn Xuyên, giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thống nhất về nguyên tắc giải quyết trên tinh thần nhanh chóng, hợp lý.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi, động viên các đối tượng đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy (Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh).

Cần xây dựng các nghị quyết chuyên đề về phòng chống ma túy, mại dâm

Theo đánh giá của Đại tá Đỗ Chí Công, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Khoảng 2 năm trở lại đây, đối tượng sử dụng ma túy có xu hướng dịch chuyển về vùng nông thôn. Trong đó, đáng báo động là nhóm thanh thiếu niên, đối tượng trong độ tuổi lao động dễ bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh triệt phá, bắt, khởi tố 23 vụ, 29 bị can, thu giữ trên 179g heroin, hơn 508g ma túy tổng hợp… Toàn tỉnh đang quản lý 1.067 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, tăng gần 36% so với năm 2017. 

Toàn tỉnh đã phát hiện 3.548 trường hợp nhiễm HIV. Hiện Trung tâm Phòng, chống AIDS tỉnh Cà Mau đang quản lý và điều trị Methadone cho khoảng 250 đối tượng, có khoảng 100 đối tượng đến uống Methadone hàng ngày tại Trung tâm. Cơ sở cai nghiện ma túy (Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh) đang quản lý 555 đối tượng nghiện ma túy.

Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy, ông Phạm Hoàng Sa cho biết: “Khó khăn mà đơn vị gặp phải hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất, chỉ riêng trong năm 2018 do kích động và ngáo đá, các đối tượng đã 4 lần phá trại và trốn ra ngoài. Số đối tượng cai nghiện tại trại tăng cao so với mọi năm, nhưng chỉ có 42 cán bộ quản lý nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, cắt cơn cho các đối tượng”.

Ông Đào Ngọc Dung chỉ đạo địa phương cần phân loại quản lý người nghiện ngay từ khâu tiếp nhận. Đối tượng cai nghiện tự nguyện và đối tượng cai nghiện bắt buộc phải được tách riêng, nhằm tránh tình trạng kích động trốn trại.

Bên cạnh đó, cần xử nghiêm những đối tượng cầm đầu trong các vụ học viên trốn trại thời gian qua; tăng cường công tác tuyên truyền tạo tính giáo dục, răn đe đối với các đối tượng cai nghiện tại cơ sở.

Song song đó, Sở phải đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng chuyên đề phòng chống, cần xác định công tác quản lý, phòng, chống, cai nghiện ma túy là cuộc đấu tranh gian khổ, áp lực. Do đó, địa phương cần có lộ trình thực hiện hợp lý, thu hút cán bộ, nhân viên phục vụ lâu dài cho lĩnh vực này.

Bảo vệ trẻ em theo phương châm “3 nhất”

Ông Đào Ngọc Dung nhận định tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em vẫn còn cao. Đặc biệt là tình trạng trẻ em bị đuối nước vào mùa hè. UBND tỉnh tăng cường công tác thanh tra kiểm tra trong công tác phòng chống đuối nước và xâm hại tình dục ở trẻ em. Khi có vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra phải được thực hiện theo phương châm “3 nhất”: Nhanh nhất, kịp thời nhất và nghiêm minh nhất.

Đối với những trường hợp bạo hành trẻ em cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh có tính răn đe, còn đối với những giáo viên bạo hành trẻ em, tuyệt đối cho thôi việc.

Ngoài ra, đối với các vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đến sinh kế cho người dân, cải thiện nâng cao đời sống của người dân là gốc của công tác giảm nghèo bền vững, gắn liền với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Không nên phân bổ vốn đào tạo nghề sang các lĩnh vực khác…

Cùng ngày, đoàn công tác đến thăm gia đình người có công, hộ ông Quách Văn Rú, thương binh 2/4 (nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh) và Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Hiến (Phường 9, TP. Cà Mau).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *