“Thuế khoán làm gì có hóa đơn tài chính”

Hàng ngàn hộ nuôi thủy sản bị thiệt hại đang gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua khảo sát và thống kê nhanh của các huyện và TP.Cà Mau, đến thời điểm này ước thiệt hại trên tôm nuôi khoảng 52.467ha (chiếm 19,7% diện tích nuôi). Trên thực tế con số này cao hơn nhiều. Sau khi công bố thiên tai, ngành chức năng sẽ xem xét việc chi hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản, dự kiến bằng hình thức trao trực tiếp con giống có chất lượng tốt và kích cỡ lớn, nhằm rút ngắn thời gian sản xuất theo kịp lịch thời vụ. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp con giống, còn hỗ trợ bằng tiền mặt căn cứ vào tỷ lệ thiệt hại thực tế đối với từng hộ nuôi. Ví dụ như nuôi tôm quảng canh, hộ bị thiệt hại từ 30 – 70% sẽ được hỗ trợ từ 2 – 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 70% trở lên sẽ được hỗ trợ từ 4 – 6 triệu đồng/ha.

Song, để được hỗ trợ, người nuôi phải cung cấp được các loại giấy tờ gồm: Kê khai sản xuất ban đầu, hóa đơn mua giống thủy sản, giấy kiểm dịch… Trên thực tế, hầu hết người dân không thể đáp ứng yêu cầu này. Ông Phan Văn Son (Ấp 3, xã Thới Bình, huyện Thới Bình) có hơn 1ha nuôi tôm quảng canh, mỗi vụ thả nuôi hơn 30 ngàn con tôm giống với giá 40 đồng/con; từ đầu mùa vụ đến nay, do hạn hán, độ mặn tăng cao, làm cho tôm trong ao nuôi thường xuyên bị chết. Ông Son cho biết, ông thường tìm đến các cơ sở vèo giống tại địa phương để mua tôm giống. Theo nghề nuôi tôm hơn 6 năm nay, chưa một lần ông yêu cầu chủ cơ sở tôm giống cung cấp hóa đơn, bởi đơn giản là không có mục đích sử dụng. Còn với ông Nguyễn Văn Quyển, (Ấp 2, xã Thới Bình), những năm gần đây, ông không thả tôm con mà thả tôm ke, là loại tôm có kích cỡ lớn, giá dao động từ 100 – 200 đồng/con. Mặc dù thay đổi loại tôm giống, nhưng tôm vẫn không sống nổi do nhiễm bệnh và độ mặn trong ao nuôi cao.

Theo những hộ nuôi tôm tại xã Thới Bình, họ thường tìm đến những cơ sở tôm giống quen thuộc tại địa phương để mua giống. Cách thức giao dịch thường là thuận mua vừa bán, còn những loại giấy tờ: Hóa đơn mua bán, giấy kiểm dịch thì thường không quan tâm đến. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình: “Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện có hơn 49.000ha thủy sản bị thiệt hại. Đa số các hộ dân đều không đủ các điều kiện để được hỗ trợ theo quy định. Cụ thể là thiếu các kê khai đăng ký sản xuất ban đầu, hóa đơn mua giống thủy sản và giấy kiểm dịch”.

Tại xã Trần Thới, huyện Cái Nước, qua rà soát có hơn 3.300ha tôm nuôi của 2.080 hộ dân bị thiệt hại. Trong đó chỉ có duy nhất 1 hộ nuôi tôm công nghiệp tại địa phương là có nhưng vẫn chưa đầy đủ các giấy tờ theo quy định để được hưởng hỗ trợ. Ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện: “Theo quy định, để được hỗ trợ thì người nuôi phải cung cấp được hóa đơn mua giống, nhưng phải là hóa đơn tài chính. Về điều kiện này, đa số người dân không thể đáp ứng”.

Liên quan vấn đề này, ông Trần Quốc Tùng, chủ cơ sở tôm giống tại ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới cho biết, trong kinh doanh ông chỉ đóng thuế khoán 150 ngàn đồng/tháng, ngoài ra còn đóng thuế môn bài 750 ngàn đồng/năm. “Thuế khoán làm gì có hóa đơn tài chính mà cung cấp cho khách hàng khi có yêu cầu?”, ông Tùng cho biết. Và đây cũng là câu trả lời chung của nhiều chủ cơ sở kinh doanh tôm giống khi được hỏi.

Trao đổi với ông Châu Thanh Sử, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, ông Sử cũng khẳng định: Việc cơ sở kinh doanh áp dụng thuế khoán không có hóa đơn tài chính là chính xác.

Yêu cầu đặt ra trong hỗ trợ thiệt hại thủy sản là phải có hóa đơn mua hàng, trong khi đó có cơ sở kinh doanh tôm giống thì lại áp dụng thuế khoán nên không có loại hóa đơn này. Mâu thuẫn này đã và đang gây nhiều khó khăn cho người dân trong thụ hưởng chính sách cần được các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ, nhằm hỗ trợ khôi phục sản xuất trong nuôi trồng thủy sản của người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *