Thủy sản Cà Mau: Khắc phục khó khăn, quyết tâm cho năm 2016

NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC…

Nguyên nhân chính cho việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu là do các nước điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ: Trong năm 2015, nhiều quốc gia thực hiện nhiều đợt điều chỉnh tỷ giá, giảm giá so với đồng đô la Mỹ (đồng tiền chính dùng trong giao dịch thương mại thế giới), như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…, từ đó làm cho giá bán tôm của Việt Nam đắt hơn giá bán tôm của các nước nói trên. Đồng tiền các nước tiêu thụ tôm chính: Euro, yên Nhật, đô la Úc, won Hàn Quốc… bị mất giá so với đô la Mỹ, làm cho tôm Việt Nam nhập khẩu vào các nước này giá tăng cao hơn so với trước nên sức mua của các thị trường này giảm mạnh.

Một nguyên nhân nữa là do nguồn cung dồi dào. Cụ thể, cuối năm 2014, đầu năm 2015, tình hình nuôi tôm ở các nước được phục hồi, phát triển mạnh. Dự kiến sản lượng năm 2015 của các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều tăng so với năm 2014. Nguồn cung vượt cầu, dẫn đến việc cạnh tranh giảm giá ngày càng quyết liệt để giành thị phần, làm giá tôm giảm mạnh.

Năm nay, Cà Mau “lỡ hẹn” với chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Qua hơn 11 tháng, cho thấy sản lượng chế biến và kim ngạch xuất khẩu sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ, nhất là kim ngạch xuất khẩu thủy sản, giảm 27%.

Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam lại cao hơn các nước. Theo Hiệp hội Chế biến và XKTS Việt Nam (VASEP), so với Việt Nam, nuôi tôm ở Ấn Độ có lợi thế giá thức ăn rẻ hơn 30%, giá giống rẻ hơn 50%, tỷ lệ nuôi thành công đạt 70% (Việt Nam đạt thấp hơn). Vì thế, giá tôm của Ấn Độ đang rẻ hơn giá tôm Việt Nam 1 – 3 USD/kg (tương ứng với 10 – 30%).

“Các rào cản kỹ thuật các nước yêu cầu đặt ra ngày càng gắt gao: Dư lượng hóa chất, kháng sinh, các chứng nhận quốc tế về vùng nuôi… Từ các nguyên nhân chính nêu trên cho thấy năm 2015 tình hình chế biến và XKTS hết sức khó khăn, làm cho ngành chế biến và XKTS sụt giảm mạnh, không riêng gì Cà Mau mà là tình hình của ngành Thủy sản cả nước”, ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến và XKTS Cà Mau (CASEP), chia sẻ.

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN), hiện toàn tỉnh có 19 công ty chuyên chế biến tôm xuất khẩu đang hoạt động, 6 công ty ngừng hoạt động (Việt Hải, Phú Cường, Nhật Đức, Tân Thành, Ngọc Châu, Đại Dương). Tình hình khó khăn của các DN từ năm 2013 đến nay đã dần phục hồi, những DN yếu kém đã ngừng hoạt động, những DN vượt qua đã từng bước khôi phục. Khó khăn, vướng mắc là lãi suất vay vốn đã giảm nhưng DN thiếu vốn trầm trọng, nhất là những DN nhóm 2 (nhóm vẫn duy trì sản xuất nhưng năng lực tài chính yếu). Thời gian qua do chính sách vay vốn tín dụng dễ dàng nên khi ngân hàng đột ngột chuyển sang thắt chặt tín dụng, cắt hạn mức tín dụng, tăng thu hồi vốn, lãi vay làm cho nhiều DN vì thế rơi vào bế tắc.

Chi phí đầu vào tăng cao làm cho nhu cầu vốn của DN tăng lên và điều này cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh cho thủy sản xuất khẩu: Giá tôm nguyên liệu, giá điện, lương, Bảo hiểm xã hội, bao bì, cước vận chuyển…

TẠO TIỀN ĐỀ CHO NĂM MỚI

Nhiều giải pháp được ngành chức năng đưa ra, trong đó có kiến nghị về tập trung vào việc ổn định tỷ giá để ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc ổn định tỷ giá có lợi cho nhập khẩu, không làm tăng nợ công của Chính phủ nhưng lại bất lợi cho xuất khẩu. Xuất khẩu bị thiệt hại thì nông dân, DN chế biến XKTS bị thiệt hại. Kiến nghị Chính phủ cần có các chính sách bảo vệ nông dân, doanh nghiệp trước những quyết định tương tự như quyết định giữ ổn định tỷ giá. Thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi thu mua tạm trữ tôm như thu mua tạm trữ lúa, gạo hay gói 30.000 tỷ đồng cho bất động sản rất kịp thời khi thị trường biến động mạnh như vừa qua.

Theo CASEP, các DN nhóm 2 đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn lưu động, không đủ vốn để phục vụ sản xuất, nhất là thời điểm giá xuống không thể trữ hàng để chờ giá lên như hiện nay, nên cơ hội phục hồi và phát triển của DN gặp rất nhiều khó khăn. Đề xuất UBND tỉnh có hướng chỉ đạo, can thiệp các ngân hàng xem xét nới rộng mức dư nợ tín dụng đặc thù cho DN chế biến XKTS; về phần mình, các DN sẽ lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh khả thi, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, tiết kiệm, trả nợ đúng hạn.

Hiện nay, giá tôm đã tăng trở lại, người nuôi có lãi, nhưng sản lượng tôm nguyên liệu đang thiếu hụt phục vụ cho chế biến xuất khẩu. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường nuôi trồng thủy sản, nhất là sớm lấp đầy diện tích nuôi tôm công nghiệp (NTCN) hiện có. Kiểm soát chặt chẽ giá cả vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản, chuyển giao, nhân rộng mô hình nuôi tôm hiệu quả, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh con tôm Cà Mau.

Hiện nay, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn thực hiện các mô hình nuôi tôm công nghiệp năng suất, chất lượng cao nhưng giảm giá thành sản xuất, nhằm thích ứng với diễn biến giá tôm trên thị trường.

Việc nhiều lô hàng bị trả về, đây là cảnh báo, đáng báo động trong thời gian tới, đã làm ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại về tài chính là rất lớn. Theo khảo sát, truy xuất nguyên nhân chính là nhiễm từ vùng nuôi: Con giống, thức ăn, các hóa chất phòng trị bệnh… đây là yếu tố rủi ro ngoài tầm kiểm soát của DN. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền nghiêm cấm việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm, kiểm soát được vùng nuôi an toàn.

Năm 2015, nghề NTCN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do yếu tố giá cả, dịch bệnh. Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn thực hiện các mô hình NTCN năng suất, chất lượng cao nhưng giảm giá thành sản xuất, nhằm thích ứng với diễn biến giá tôm trên thị trường. Trong đó, sẽ chú trọng xây dựng để nhân rộng các mô hình tổ chức liên kết chuỗi sản xuất ngành hàng tôm; xây dựng mối liên kết giữa các DN chế biến xuất khẩu, cung ứng giống, thức ăn, vật tư có chất lượng với các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ nuôi để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm. Qua tìm hiểu tại các vùng NTCN tập trung trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ dân cho biết sẽ không mở rộng thêm diện tích NTCN mới mà tập trung nuôi đảm bảo đạt hiệu quả với diện tích ao đầm sẵn có.

Ở các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện trọng điểm về kinh tế nuôi trồng thủy sản: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân… thì sự chủ động triển khai kế hoạch phát triển ngành Thủy sản vào năm 2016 là điều dễ nhận thấy. “Huyện Đầm Dơi hiện có hơn 62.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó phần lớn được người dân nuôi theo hình thức truyền thống là tôm – cua – cá kết hợp. Tới đây, huyện sẽ chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với từng vùng, từng khu vực, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Tiếp tục duy trì, chỉ đạo phát triển NTCN; tập trung chỉ đạo nhân rộng và lấy diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến để tăng sản lượng chính. Nhân rộng các mô hình sản xuất, đặc biệt là các mô hình đa canh trong sản xuất”, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, ông Nguyễn Chí Thuần chia sẻ.

Nếu như trước đây điện là vấn đề nóng của ngành NTCN tỉnh thì nay đã có giải pháp dài hơi. Thông tin mới từ phía Công ty Điện lực Cà Mau, hiện đã triển khai thực hiện Dự án thành phần cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ NTCN tỉnh thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành Điện giai đoạn 3, với tổng vốn đầu tư hơn 216 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh đó, Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015 – 2020 vừa được Bộ Công thương phê duyệt và sẽ triển khai từ đầu năm 2016, với tổng mức đầu tư khoảng 892 tỷ đồng.

Với những tồn tại đã qua, giải pháp cho năm 2016 đã được hoạch định ngay từ thời điểm này, tin chắc rằng năm nay chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau sẽ đạt kế hoạch, làm tiền đề quan trọng cho một năm của nhiệm kỳ mới.

Theo thống kê của CASEP: Ước tổng sản lượng thủy sản chế biến năm 2015 đạt 99.800 tấn, bằng 94% so với cùng kỳ, đạt 88% kế hoạch. Hàng giá trị gia tăng chiếm 56% tổng sản lượng chế biến tôm. Công suất chế biến bình quân đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 880 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ, đạt 65% kế hoạch. Thị trường xuất khẩu chính: Nhật, Mỹ, EU, Trung Quốc, Canada, Úc…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *