Tiềm năng cây chuối tại Cà Mau là rất lớn

Chuối già Nam Mỹ đang phát triển khá tốt trên vùng đất rừng U Minh – Cà Mau.

Trung Quốc là nơi tiêu thụ lớn nhất, chiếm trên 80% sản phẩm chuối xuất khẩu của Việt Nam, với trên 13 triệu USD/năm, kế đến là Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thông tin từ Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), nhu cầu chuối nhập khẩu của Nhật Bản, Dubai, Hàn Quốc, Singapore và các thị trường Trung Đông khá tiềm năng.

Trong đó, Nhật Bản và Arab Saudi đã tăng kim ngạch nhập khẩu chuối gấp 10 lần trong năm 2015 – 2016; Singapore cũng nổi lên là một thị trường tiềm năng với mức gia tăng gấp 6 lần trong 2 năm qua.

Đầu ra của chuối xuất khẩu Việt Nam đang mở rộng. Tại Cà Mau, việc người dân tận dụng đất đai để trồng chuối khá hiệu quả, nhưng giá cả lại không cao và còn bấp bênh, sản phẩm chuối Cà Mau chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước với giống chuối xiêm.

Tuy nhiên, với chuối già Nam Mỹ, hiện mô hình này đang phát triển khá tốt cả về diện tích, sản lượng, chất lượng, trong đó tập trung nhiều tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, với giá xuất bình quân 7.500 đồng/kg, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/kg.

Hiện, ngoài diện tích sản xuất tự túc, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sản xuất chế biến gỗ Cà Mau còn liên doanh, liên kết với trên 100 hộ dân, mở rộng diện tích lên khoảng 1.000ha theo hình thức sản xuất tập trung, quy mô lớn sau khi đã có những chuyến hàng đầu tiên xuất sang thị trường Saudi Arabia thuận lợi.

Công ty cung cấp giống chuối cấy mô, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch; Nhà máy Đạm Cà Mau cung ứng phân đạm suốt trong quá trình sinh trưởng của cây chuối… Đây được xem là mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiệu quả, là ngành hàng chủ lực được địa phương đưa vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *