Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá còn chậm: Nguyên nhân do đâu?

Thời gian qua, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về lợi ích khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các chủ phương tiện tại các địa phương có cửa biển.

Vì lợi ích lâu dài

Cà Mau là một trong 28 tỉnh vùng duyên hải, có số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản lớn, trên 4.000 chiếc, trong đó theo thống kê mới đây xác định có khoảng 1.500 chiếc chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát thiết bị hành trình tàu cá theo quy định (chỉ đạo của Chính phủ và Điều 50 Luật Thủy sản). Cà Mau là một trong những tỉnh đi tiên phong vấn đề này.

Như đã thông tin, các phương tiện phải lắp đặt thiết bị giám sát giai đoạn I là nhóm tàu cá thuộc đối tượng đã vi phạm vùng biển nước ngoài, chấp hành án xong được thả về và hiện đang hoạt động khai thác hải sản; nhóm tàu cá chưa vi phạm vùng biển nước ngoài, thuộc quyền sở hữu của chủ tàu đã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; nhóm tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Các phương tiện này sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá do các đơn vị: Viettel Cà Mau, Viễn thông Cà Mau và Công ty TNHH Zunibal Việt Nam cung cấp, có giá từ 20 triệu đồng trở lên, tùy theo chức năng ít, nhiều của mỗi thiết bị. Các thiết bị đã được Tổ thẩm định thiết bị giám sát tàu cá của tỉnh tổ chức thẩm định về tính năng hoạt động trước khi đến tay các chủ phương tiện, nên đáp ứng được yêu cầu giám sát hành trình hoạt động của tàu cá trên biển. 

Các đơn vị: Viettel Cà Mau, Viễn thông Cà Mau và Công ty TNHH Zunibal Việt Nam đều lần lượt giới thiệu sản phẩm cho các chủ phương tiện.

Tính năng của thiết bị giám sát sẽ giúp quản lý được hành trình đánh bắt thủy sản của từng tàu cá, xác định được vị trí, tốc độ từng tàu cá trên biển. Có chức năng cảnh báo cho chủ tàu, thuyền trưởng, tình trạng tàu sắp vượt hoặc đã vượt hải phận của Việt Nam để kịp thời điều chỉnh quay về hải phận hợp pháp. Đồng thời, giúp cơ quan chức năng điều hành, thông báo cho các tàu đang hoạt động trên biển hỗ trợ nhau khi gặp sự cố, kêu gọi tàu tránh bão khi gặp thời tiết xấu…

Nắm được các tính năng cũng như lợi ích của thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, nên ông Nguyễn Văn Phỉnh (Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) đã đăng ký từ hơn 1 tháng nay, chỉ còn chờ khoảng 1 tuần nữa tàu vô là có thể lắp hoạt động. Ở cửa biển Cái Đôi Vàm có 3 phương tiện được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ và hộ ông Phỉnh được 1 phương tiện. Ông Phỉnh chia sẻ: “Thiết bị tôi lắp tốn tới trên 45 triệu đồng, nhưng vì lợi ích của nó mang lại cho mình nên mình chọn. Thiết bị đó vừa có tính năng quản lý tàu cá, vừa có tính năng gọi điện được. Dù chi phí cao nhưng tàu mình là tàu đóng theo Nghị định nên phải cố gắng để phục vụ cho mình và vì sự an toàn của anh em tham gia đánh bắt trên tàu, trang bị để liên hệ ra vô ổn định”. Ở cửa biển Cái Đôi Vàm, có tổng số 106 phương tiện cần lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, trong đó 3 tàu thuộc giai đoạn I đã đăng ký lắp đặt xong và giai đoạn II chỉ mới lắp đặt được 1 phương tiện.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện tàu cá ngoài việc theo dõi hành trình đánh bắt, thiết bị giám sát còn có chức năng liên kết các phương tiện với nhau, thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Các đồn biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ tàu, thuyền trưởng và kiên quyết không cho ra khơi đánh bắt nếu phương tiện không lắp đặt thiết bị giám sát.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của ngành chức năng, lắp đặt thiết bị giám sát là điều kiện “cần” trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là giải pháp cấp bách nhằm thoát khỏi việc EU cảnh báo “Thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.

Nhưng khó khăn nhất hiện nay là với những hộ đánh bắt gần bờ hoặc làm nghề đóng đáy hàng khơi, hàng cạn. Ông Nguyễn Chí Hiếu (Khóm 3, thị trấn Cái Đôi Vàm) làm nghề đáy hàng khơi hơn 20 năm nay. Ông có 3 tàu cá, trong đó 2 tàu có chiều dài hơn 15m và cả 3 tàu đều có công suất trên 90CV. Ngoài việc thiết bị giám sát có giá đắt đỏ thì chức năng tàu cá của ông Hiếu chủ yếu là chuyên chở và không vươn khơi đánh bắt, nên ông vẫn còn đang kiến nghị, xem xét lại. Ông Hiếu trần tình: “Gắn thiết bị này với những ghe đánh bắt xa bờ, giáp biên giới là điều cần thiết. Riêng đối với bà con ở đây đánh bắt gần bờ, từ đất liền ra tới đáy như ghe của tôi 18 hải lý. Một năm 12 tháng nhưng tôi làm có 4 – 5 tháng thôi nên việc lắp đặt thiết bị vừa tốn kém vừa không cần thiết”.

Không chỉ riêng gì hộ ông Hiếu mà còn rất nhiều hộ có phương tiện đánh bắt gần bờ, công suất nhỏ không “hợp tác” lắp đặt. Nguyên nhân chính là chi phí thiết bị cao, những hộ đánh bắt nhỏ lẻ không đủ kinh phí lắp đặt.

Đây cũng là vấn đề trăn trở của các cấp, ngành ở địa phương. Ông Trần Quốc Yên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, cho biết: “Một số phương tiện khai thác gần bờ như đáy hàng khơi, đáy hàng cạn, lưới ven bờ thì đa số chủ tàu chưa đồng tình cao vì họ cho rằng không cần thiết lắp đặt, chỉ đánh bắt gần bờ, dễ dàng tránh khi có thời tiết xấu và họ cho rằng phương tiện của họ không thể vươn khơi khai thác nên không cần giám sát hành trình. Giải pháp thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền vận động người dân, phân loại tàu đánh bắt xa bờ, gần bờ để đề xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh có giải pháp, kế hoạch lắp đặt nhằm giảm bớt khó khăn cho các chủ tàu ven bờ”.

Bên cạnh đó, không chỉ riêng những hộ có phương tiện đánh bắt gần bờ mà những chủ phương tiện thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá giai đoạn I đang trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, ngành chức năng đã và đang tiếp tục cùng với địa phương, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để các chủ tàu hiểu và thực hiện lắp đặt thiết bị theo kế hoạch đề ra; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền thực hiện giai đoạn II của kế hoạch, đến cuối tháng 12/2018, tất cả phương tiện khai thác hải sản trên biển đều phải lắp đặt thiết bị giám sát.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, đối với những phương tiện không lắp đặt, sẽ kiên quyết không cấp phép đăng ký và phối hợp với các đồn biên phòng trong tỉnh không cho các phương tiện này ra khơi.

Ông Trần Quốc Chính, quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm hướng đến phát triển khai thác thủy sản bền vững. Cảnh báo sớm vi phạm vùng biển nước ngoài, vùng cấm khai thác; truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác (có hành trình, nhật ký khai thác điện tử chứng minh); tìm kiếm, cảnh báo thiên tai, báo động sự cố, thông tin khuyến cáo vùng khai thác có hiệu quả… Dù đồng tình nhưng việc trang bị thiết bị giám sát hành trình tàu cá cũng cần một khoản kinh phí khá lớn, 23 triệu đồng/phương tiện, là vấn đề bà con ngư dân còn đắn đo. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *