Tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người

Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn 2017-2019, cả nước có 3,3 triệu cơ sở, hộ gia đình ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tăng hơn 3 lần so với thời điểm năm 2016. Trung bình hàng năm, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tăng 27,8% so với giai đoạn 2011-2016; số cơ sở bị xử lý tăng 51,9%, với số tiền xử phạt tăng gấp 2,9 lần. Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ, 42 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP, đây là điểm mới trong xử lý vi phạm ATTP so với trước khi có Chỉ thị trên.

Ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra về vấn đề an toàn thực phẩm.

Năm 2017, tiêu chí bảo đảm ATTP đã được xác định là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), đã có 3.794 sản phẩm đăng ký, trong đó có 374 sản phẩm được đánh giá, phân hạng. Đến nay, cả nước có gần 2.000 cơ sở với 38.600ha trồng trọt, trên 11 ngàn hộ chăn nuôi và trang trại, 624 cơ sở với hơn 5.000ha, 1.420 chuỗi/1.538 sản phẩm/3.287 địa điểm bán sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Cả nước đã có 55/63 tỉnh, thành ban hành quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung, góp phần giảm cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ từ 29.557 cơ sở xuống còn gần 28.000 cơ sở. Nhiều doanh nghiệp đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung với tiêu chuẩn thế giới như: DABACO, MASAN, VISSAN… 

Nhìn chung, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương, công tác ATTP có những chuyển biến rõ rệt, tích cực. Bước đầu hoàn thiện thể chế quản lý, tiếp cận phương thức quản lý thực phẩm dựa trên quản lý nguy cơ, tạo điều kiện thông thoáng trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường hậu kiểm, tạo một nền sản xuất thực phẩm phát triển. Hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn có bước phát triển mạnh mẽ. Nông sản thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều cường quốc trên thế giới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của cộng đồng được nâng lên. Vấn đề ATTP mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không còn là vấn đề bức xúc như những năm trước đây.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người. ATTP là vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất trong giai đoạn hiện nay. Đây là trọng trách của Đảng, của Nhà nước đối với sự phát triển thịnh vượng của đất nước, của quốc gia”.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực thực phẩm phải được thực hiện một cách mạnh mẽ; đồng thời mạnh tay hơn trong việc xử lý hành chính, hình sự; không để bỏ lọt, bỏ sót những vụ việc vi phạm ATTP. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để kiểm tra, quả lý những sản phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng. Dừng ngay thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Lên án những hành vi tiêu thụ và buôn bán mặt hàng giả kém chất lượng. Cần đề cao, nhân rộng những mô hình hay về ATTP…

Chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn thể nhân dân phải cùng vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng thực phẩm an toàn trong toàn xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Thành công về ATTP không chỉ là thành công của chúng ta, mà còn là hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam đối với các nước trên thế giới, góp phần nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *