Tín dụng chính sách xã hội – đòn bẩy giúp dân thoát nghèo

Để nguồn vốn vay được đảm bảo sử dụng đúng mục đích, cô Lê Thu Thủy (giữa) thường xuyên phối hợp với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đến kiểm tra, thăm hỏi tình hình sản xuất các hộ gia đình vay vốn để kịp thời hỗ trợ.

Từ chủ trương đúng đắn…

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TƯ ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng CSXH” (Chỉ thị 40), hoạt động tín dụng CSXH đã có những chuyển biến tích cực, góp phần vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Các cấp ủy, chính quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng CSXH. Công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với Ngân hàng CSXH trong các hoạt động tập huấn, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn chặt chẽ, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Trong giai đoạn 2014  – 2019, nguồn vốn huy động được 153,8 tỷ đồng, tăng 111,5 tỷ đồng, tỷ lệ 266%. Giải ngân, cho vay được 169.523 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng doanh số cho vay là 2.840 tỷ đồng. Đã hỗ trợ cho 32.073 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ 7.892 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; tạo việc làm cho 12.090 lao động; có 40 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng 91.491 công trình nước sạch vệ sinh môi trường và 1.008 căn nhà cho hộ nghèo.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn địa phương tăng 67 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 206% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị, nâng tổng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH đến ngày 30/6/2019 là 99,6 tỷ đồng.

Là huyện nghèo nhất của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhờ thực hiện Chỉ thị 40 mà U Minh từng bước khởi sắc, hộ nghèo giảm rõ nét, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện, ông Sơn Tấn Phát cho biết: “Cấp ủy, chính quyền các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động tín dụng CSXH, giúp hoạt động của Ngân hàng CSXH đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó là sự tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực đôn đốc các ngành, MTTQ, đơn vị nhận ủy thác của xã triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách CSXH trên địa bàn, từ công tác tuyên truyền, vận động, điều tra, rà soát các đối tượng chính sách theo quy định, đến bình xét cho vay, kiểm tra giám sát, đôn đốc xử lý và thu hồi nợ xấu… Do đó, nguồn vốn ưu đãi đã được chuyển tải nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định tại tất cả các ấp, khóm, phát huy được hiệu quả vốn vay, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên”.

Đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 292 triệu đồng, tăng 119,7 triệu đồng (tăng 69,47%) so với ngày 31/12/2014, bình quân mỗi năm tăng 23,942 triệu đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2019 là 276 triệu đồng, tăng 108,7 triệu đồng (tăng 64,8%) so với ngày 31/12/2014.

Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thanh khẳng định: “Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đã làm thay đổi một cách sâu sắc về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội đối với tín dụng CSXH. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp và các ngành liên quan ngày càng xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng CSXH; từ đó tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn”.

Mô hình nuôi cá sấu của chị Nguyễn Thị Loan đạt hiệu quả kinh tế cao.

… đến những người có tâm huyết

Đến tham quan mô hình kinh tế của chị Nguyễn Thị Loan (Ấp 8, xã Khánh Tiến, huyện U Minh), ít ai nghĩ rằng gia đình chị Loan trước đây thuộc diện khó khăn, thu nhập chủ yếu bằng việc nuôi tôm thâm canh trên diện tích chỉ hơn 1ha. Vậy mà giờ chị xây được ngôi nhà khang trang, lại mở rộng thêm nuôi 2 chuồng nuôi cá sấu với trên 100 con. Chị Loan chia sẻ: “Năm 2015, giá cá sấu rớt giá thê thảm, trừ hết chi phí, gia đình bị lỗ trên 30 triệu đồng, muốn gây đàn lại nhưng không có vốn. Nhờ cô Chín Thủy giới thiệu và bảo lãnh cho vay nguồn vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mới bắt đầu nuôi lại được như hôm nay”.

Cô Chín Thủy mà chị Loan nhắc đến chính là cô Lê Thu Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 8, một cán bộ hội tiêu biểu, nhiệt tình và tận tâm với các hoạt động của hội phụ nữ cơ sở. Hơn 18 năm là Chi hội trưởng, luôn đồng hành cùng chị em trong phát triển kinh tế cũng như xây dựng hạnh phúc gia đình, cô Chín Thủy nắm bắt được tâm ý từng hội viên; trong sinh hoạt, cô luôn tạo điều kiện để chị em chia sẻ buồn vui để cùng xây dựng tốt cuộc sống gia đình. Thấy chị em khó khăn, muốn phát triển kinh tế nhưng lại không có vốn, trước sự ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện cho các đoàn thể, cô Chín Thủy họp các tổ, thông báo cho các chị em nắm các chương trình và tiến hành bầu chọn đối tượng được vay.

Ngoài vai trò là “cầu nối” để các chị em tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng CSXH, cô Chín Thủy còn trực tiếp tham gia giám sát các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ triển khai việc sinh hoạt tổ vào thời gian cố định hàng tháng, trước ngày giao dịch tại xã. Nhờ đó, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới, cũng như giải đáp thắc mắc của các hộ vay được thực hiện kịp thời.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 8 còn phối hợp với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ quá hạn, người vay bỏ đi khỏi nơi cư trú, đồng thời hướng dẫn hộ vay vốn lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan. Đặc biệt, nhiều năm qua, cô Thủy luôn gắn kết hoạt động của Hội với công tác tín dụng chính sách, coi đây là hoạt động xuyên suốt, nhằm hỗ trợ chị em vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững. Thông qua nhiều chương trình vay vốn đa dạng, phong phú, Chi hội đứng ra ủy thác với Ngân hàng CSXH cho các đối tượng chị em nghèo, gia đình chính sách vay vốn; đồng thời hướng dẫn sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Nhờ đó, giúp chị em phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh…

Nhờ thực hiện tốt việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các tổ viên chấp hành tốt quy ước hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hành tiết kiệm, giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, các hội viên đã thực hiện tốt việc trả nợ, trả lãi đúng định kỳ đã cam kết với ngân hàng. Nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhờ có nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH, đã có điều kiện phát triển kinh tế, gia đình thoát nghèo.

6 người con của cô Thủy đều thành đạt, ai cũng tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá và có công việc ổn định. Ở tuổi ngoài 60, cô như thấy mình trẻ lại khi tham gia công tác hội, cô vẫn “cháy” hết mình cho công việc, thích đi, thích vận động và muốn được sát cánh cùng chị em vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Toàn tỉnh hiện có 2.690 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 13 chương trình hỗ trợ: Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, hộ nghèo về nhà ở, dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… Tính tới ngày 31/8/2019, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH trên 2.438 tỷ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *