“Tín dụng đen” đã quay trở lại!

Rải tờ rơi “câu” người vay

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương ra sức phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tiêu chí lộ giao thông nông thôn là then chốt. Khi đường nối đường, ấp nối ấp bằng các tuyến lộ bê-tông thông thoáng thì đây cũng là cơ hội để các đối tượng núp bóng “tín dụng đen” hoạt động.

Không còn cảnh treo biển quảng cáo “cho vay tiền” trên cây cao ven các tuyến lộ hay dán trên cột điện (hình thức này, lực lượng chức năng cũng như các ngành, đoàn thể tháo dỡ được), mà chúng đã thay đổi “chiến thuật” bằng cách rải tờ rơi trước cửa nhà dân hay dọc các tuyến lộ đông dân cư.

Tuyến lộ ấp Tân Hòa A, xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi) dài gần 1.400m, mới đưa vào sử dụng, nhưng hiện dọc theo hai bên tuyến lộ đầy những tờ rơi quảng cáo với nội dung “cho vay tiền”, trong đó ghi cả số điện thoại của người cho vay, với thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Người vay chỉ cần thế chấp hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân là có thể vay tiền. Đặc biệt, ai giới thiệu sẽ nhận được hoa hồng… Theo người dân nơi đây, không chỉ tuyến lộ này, mà hầu hết các tuyến lộ trên địa bàn xã đều bị các đối tượng này rải trắng giấy cho vay tiền. Anh Đoàn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết: “Theo báo cáo của các ấp, các đối tượng này hoạt động vào ban đêm, nên dù rải nhiều nơi nhưng không ai phát hiện ra chúng. Khi nhận được tin báo của người dân, lực lượng công an xã đã phối hợp ngay với công an viên các ấp khoanh vùng các đối tượng để điều tra. Qua điều tra, các đối tượng này không phải là người địa phương, chúng đến nhằm mục đích phát tán tờ rơi, để lại số điện thoại rồi đi”.

Mới đây, Công an TP. Cà Mau vừa ra quyết định xử phạt đối với 2 đối tượng: Vũ Văn Công (sinh năm 2001, ở TP. Vũng Tàu) và Trần Văn Vĩnh (tên thường gọi là Phú, sinh năm 1996, ở tỉnh Nam Định) về hành vi rải tờ rơi làm mất vẻ mỹ quan đô thị. Theo hồ sơ, trước đó vào ngày 3/6/2019, hai đối tượng này lợi dụng đêm khuya đã thực hiện hành vi rải tờ rơi tại các phường đông dân cư trên địa bàn thành phố. Qua công tác đấu tranh, đến ngày 4/6/2019, hai đối tượng này bị bắt giữ.

Bằng hình thức này, nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và kẽ hở của pháp luật để hoành hành, khiến không ít người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Tang vật thu được từ việc rải tờ rơi trên địa bàn TP. Cà Mau.

Nở rộ vay tiền qua App

Ngoài hình thức cho vay qua các biển quảng cáo, tờ rơi thì hiện nay nở rộ việc vay tiền qua App (ứng dụng trên điện thoại có hệ điều hành Android hoặc iOS). Chỉ cần gõ cụm từ tiềm kiếm trên “chợ ứng dụng”, có thể nhận được vài chục ứng dụng cho vay khác nhau, nhưng cùng chung mục đích là vay nhanh, thủ tục đơn giản nhưng với lãi suất “cắt cổ”.

Chị L.T.T.Tr., hiện là giáo viên của một trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh. Hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng ly hôn, chị phải nuôi con và gánh thêm một khoản nợ. Nghe theo lời của bạn bè, chị tìm đến trang ứng dụng cho vay tiền nhanh chỉ cần CMND và điền một số thông tin cá nhân để vay được tiền với lãi suất rất cao. Nhưng vì cần tiền trả nợ gấp nên chị Tr. chấp nhận.

Bằng cách này, chị Tr. đã lần lượt vay của 6 công ty bao gồm: ATM Online; V Đồng; Cashwagon vay 4 triệu đồng, trả trong vòng 30 ngày, phải trả 5,6 triệu đồng); Idong (vay 3,5 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ có 2,7 triệu đồng); Ucash; Doctordong (vay 3,5 triệu đồng, trả trong 30 ngày, với số tiền 4,8 triệu đồng). Mặc dù công ty nào cũng rao quảng cáo lãi suất 0%, thực chất chị Tr. không hề nhận đủ số tiền đã vay, số chênh lệch bị tính cho “phí dịch vụ”. Theo lời của chị Tr., ngoài Công ty ATM Online, các công ty còn lại đều cho chị đáo hạn trong tháng 5/2019, do chị đóng tiền đầy đủ, nhưng ngay lúc này, chị lại không còn tiền để góp thì các công ty này liền trở mặt, thường xuyên gọi điện thoại đe dọa, “khủng bố” tinh thần. Thậm chí chúng còn liên hệ các số điện thoại đồng nghiệp, nơi chị làm việc và người thân của chị để khủng bố. Các đối tượng này còn tung cả hình ảnh và thông tin cá nhân của đồng nghiệp chị lên mạng xã hội, cho là đồng lõa với chị Tr., nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vay tiền qua App đang nở rộ trên các chợ ứng dụng thực chất là một loại “tín dụng đen” biến tướng, không được phép của các cơ quan chức năng mà là các ứng dụng tự phát. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không sớm vào cuộc ngăn chặn kịp thời, có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Lực lượng chức năng đã tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phương thức, thủ đoạn liên quan “tín dụng đen”, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn.

Mùa dịch vừa lắng, công việc của một số lao động chưa ổn định lại, thu nhập bấp bênh, cần tiền trang trải cuộc sống nhưng không phải ai cũng tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng. Do đó “tín dụng đen” sẽ lợi dụng điều này để tìm kiếm và “câu” khách. Chúng luôn tạo điều kiện để “bẫy” con mồi, chính vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *