Tín hiệu vui từ cây dừa trên đất mía

Xã Trí Lực là địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển trồng mía theo hướng hàng hóa từ năm 1990. Tuy nhiên, do giá mía liên tục sụt giảm trong nhiều năm qua, người trồng mía không có lãi, nhiều hộ dân tự chuyển đổi sang trồng màu, trồng gừng và ban phá để nuôi tôm, trồng lúa. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa giống mới năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Võ Văn Công đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang mô hình trồng dừa dứa theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Hơn nữa, cây dừa là giống cây thích hợp với vùng đất địa phương và chống hạn tốt, có thể trồng không cần tưới nước nhiều, cây vẫn phát triển tốt, cho trái quanh năm.

Ông Võ Văn Công (Ấp 9, xã Trí Lực) dọn vệ sinh cho cây dừa.

Ông Công cho biết: “Năm 2012, giá mía giảm, giá thuê nhân công thu hoạch tăng cao và không thuê được lao động, nên việc duy trì phát triển cây mía gặp rất nhiều khó khăn. Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân, cán bộ kỹ thuật khuyến nông huyện cùng một số lão nông có kinh nghiệm trồng dừa hướng dẫn hỗ trợ về giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc, đến nay gia đình tôi đã có trên 600 cây dừa đang cho trái, với năng suất hơn 200 trái/năm, sinh trưởng tốt và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Sau khi trồng từ 36 tháng trở lên, cây đã cho thu hoạch lứa đầu tiên và giá dừa tươi bán tại vườn được thương lái thu mua hiện nay từ 7 – 10.000 đồng/trái, bình quân thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, thu nhập của gia đình bình quân từ trái dừa tươi được gần 300 triệu đồng/năm. So với các cây trồng khác, trồng dừa có những ưu điểm vượt trội, nhẹ công chăm sóc, ít chi phí nhân công, lợi nhuận thu được cao gấp 4 lần so với các cây – con khác”.

Thấy được hiệu quả của cây dừa, gia đình anh Nguyễn Văn Cường ở ấp La Cua (xã Biển Bạch Đông) đến tham quan, cho biết: “Hiện đang vào mùa nắng, dừa tươi đang được thị trường tiêu thụ mạnh, dễ bán. Đây cũng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có điều kiện để nhân rộng, đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Chính vì thế, gia đình cũng đến mua giống và trồng trên diện tích vườn tạp vừa mới khai phá hơn 1,2ha”.

Ông Công đang tuyển chọn dừa giống bán cho bà con trong vùng.

Ông Lâm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết: “Mô hình trồng dừa đã giúp gia đình ông Võ Văn Công vươn lên khá giàu và dừa dứa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, cho trái quanh năm và đầu ra cơ bản ổn định, được người dân địa phương nhân rộng trong thời gian tới. Hơn nữa, mỗi năm gia đình ông Công cung cấp cho bà con quanh vùng khoảng 5.000 trái dừa giống, tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 6 lao động, với thu nhập ổn định từ 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng”.

Từ một nông dân chỉ quen với việc canh tác lúa – tôm và trồng mía, song nhờ ham học hỏi, tìm hiểu, ông Võ Văn Công đã xây dựng thành công mô hình trồng dừa dứa, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho gia đình. Mô hình trồng dừa dứa cũng góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đối với vùng đất nhiễm mặn ở địa phương, đồng thời còn thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, ông Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: “Trong những năm tới, các địa phương cần tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư và xây dựng các mô hình trồng cây ăn trái trên diện tích mía kém hiệu quả. Trong đó, chú trọng đến diện tích, mật độ trồng, nguồn giống, biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho người dân nâng cao thu nhập. Đồng thời tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác và định hướng phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm trên địa bàn, nhưng phải gắn với thị trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân liên kết sản xuất và gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, để từng bước hình thành và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cây trồng: Dừa, chuối, chanh không hạt… trên diện tích trồng mía kém hiệu quả”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *