Tình hình tội phạm còn nhiều diễn biến phức tạp

Ông Đàm Hoàng Vũ – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thông tin kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 trên địa bàn tại Kỳ họp, chiều 5/12.

Ông Đàm Hoàng Vũ – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, một số tội phạm còn gia tăng.

Theo đó, năm 2018, tội phạm được phát hiện khởi tố tăng 1,7% về số vụ và tăng 15,3% số bị can so với năm 2017. Trong đó, đáng chú ý là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản… Tội phạm ma túy tăng nhiều so với năm 2017, tập trung vào tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy.

Tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội tăng 54 vụ/120 bị can so với cùng kỳ. Theo ông Vũ, nguyên nhân là do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là ở cơ sở chưa được chú trọng. Công tác tuần tra, canh gác, quản lý địa bàn, khu dân cư có lúc, có nơi chưa được thường xuyên và chặt chẽ…

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thành Sỹ – Giám đốc Công an tỉnh cho biết tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy đã được kiềm chế, chưa phát hiện phương thức, thủ đoạn mới, nhưng từng lúc, từng nơi diễn biến phức tạp. Trộm cắp tài sản diễn ra nhiều tại vùng nông thôn (chiếm trên 63% trong 240 vụ việc); tội cố ý gây thương tích diễn ra nhiều tại TP. Cà Mau (chiếm 36,17% trong 141 vụ việc).

Thông tin đáng quan tâm khi phát hiện, giáo dục, răn đe 17 đối tượng chia sẻ nội dung, hình ảnh tuyên truyền xuyên tạc sai sự thật, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phản đối 2 dự án luật và kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội. Kịp thời quản lý chặt, buộc các chủ tài khoản gỡ bỏ, cam kết không tái phạm, không để bị lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự.

Đối với công tác tòa án, ông Hà Thanh Hùng – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, trong 11.248 vụ việc được tòa án nhân dân 2 cấp thụ lý, còn 1.965 vụ chưa được giải quyết, trong đó có 2 vụ việc quá hạn theo luật định.

Thừa nhận công tác xét xử còn những hạn chế, ông Hùng cho rằng là do số lượng các loại án phải thụ lý và giải quyết tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi thẩm phán được phân công thụ lý, giải quyết trên 12 vụ/tháng. Trong năm, nổi lên các vụ việc liên quan đến quyền sử dụng đất gia tăng.

“Đây là loại án gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết; việc tiến hành đo đạc, thẩm định, định giá thường chiếm thời gian rất dài, phải tạm đình chỉ để đợi kết quả của các cơ quan chuyên môn”, ông Hùng chia sẻ.

Trước đó, thông tin về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, ông Huỳnh Quốc Hoàng – Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, hầu hết các vụ việc dẫn đến khiếu nại, tố cáo chủ yếu yêu cầu quyền lợi liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Khiếu nại không thành nên chuyển sang tố cáo, ông Hoàng nêu thực trạng, đồng thời cho biết nhiều vụ viêc dù đã được giải quyết lần 2 và quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật, nhưng người khiếu nại không chấp hành, tiếp tục khiếu nại lên cấp trên, dẫn đến còn tồn đọng một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài.

Thông tin được cử tri quan tâm khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lâm Văn Bi nêu ra tại Kỳ họp về việc thu phí tại cầu Rạch Ráng (huyện Trần Văn Thời). Theo đó, UBND tỉnh đã thỏa thuận và đi đến thống nhất với chủ đầu tư là Công ty TNHH Liêm Duyên Hải thời gian khai thác cây cầu này là 20 năm, thời gian kể từ 31/7/2010.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Kỳ họp cũng đã thông qua báo cáo về kết quả hoạt động của HĐND tỉnh, công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền năm 2018; dự toán ngân sách 2018 và phương hướng, nhiệm vụ 2019; báo cáo thẩm tra của các ban HĐND; thông qua 15 tờ trình.

Ngày mai (6/12), Kỳ họp diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý là việc lấy phiếu tín nhiệm những người được đại biểu HĐND tỉnh bầu (buổi sáng) và chất vấn, trả lời chất vấn (buổi chiều).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *