Tổ hợp tác trồng bồn bồn kêu cứu đầu ra

Anh Lê Văn Vũ nặng lòng khi 0,4ha bồn bồn quá lứa hơn 70%, do không có thương lái thu mua.

Anh Quách Minh Hòa, Trưởng ban Nhân dân Ấp 14, Tổ trưởng THT trồng bồn bồn Ấp 14, cho biết: “Khoảng 10 năm trước đây, những đồng ruộng của nông dân trên địa bàn ấp nhiễm phèn nặng, trồng lúa không hiệu quả. Sau đó, bà con mạnh dạn cải tạo, đào ao lên liếp, một số hộ chọn thực hiện mô hình trồng hoa màu, ao nuôi cá kết hợp trồng chuối, trồng rừng. Một số hộ thử nghiệm mô hình trồng bồn bồn cho năng suất cao. Thời điểm đó giá cả bồn bồn ổn định nên đề xuất nhân rộng cho bà con cùng làm và ngày càng phát huy hiệu quả. Trong quá trình xã Khánh An phấn đấu về đích xã NTM, tháng 3/2018, được chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ, THT trồng bồn bồn Ấp 14 được thành lập, với 10 thành viên. Chính quyền địa phương hết sức phấn khởi, hy vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho bà con”.

Tháng 11/2019, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đầu tư cho THT 100 triệu đồng, các thành viên tiếp tục đầu tư cải tạo, mở rộng mô hình nếu có điều kiện. Hộ ông Tăng Văn Thắng, Tổ phó THT có 3,6ha trồng bồn bồn, vào thời điểm vô vụ bồn bồn, cứ mỗi hecta cho 1,2 – 1,3 tấn bồn bồn thương phẩm. Như vậy, mỗi đợt thu hoạch, bình quân gia đình ông xuất ra thị trường trên 3 tấn bồn bồn thương phẩm, với mức giá bình quân hằng năm 20 ngàn/đồng/kg như mọi năm, gia đình ông thu về khoảng 40 – 60 triệu đồng/đợt. Những hộ có diện tích nhỏ hơn thì bình quân hằng tháng thu nhập 5, 10, 20 triệu đồng/tháng tùy diện tích (đợt cao điểm thu hoạch).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ khoảng tháng 12/2019 đến nay, do lượng cung nhiều hơn cầu, cùng với ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, bồn bồn nơi đây rơi vào tình trạng “ế” dài hạn, thương lái đến thu mua thưa dần. Nhiều hộ dân phải tự “bơi”, bằng cách  mang bồn bồn ra các chợ chào hàng, với hy vọng “bán được đồng nào hay đồng ấy”.

Hôm chúng tôi đến hỏi thăm tình hình hoạt động của THT, anh Tăng Văn Thắng đang chở bồn bồn ra Cà Mau chào hàng tại các điểm chợ, hòng cứu vãn 3,6ha bồn bồn đang tới lứa thu hoạch.

Đến thăm gia đình anh Lê Văn Vũ, khi gia đình anh đang lột bồn bồn giao cho khách ở Cà Mau. Anh Vũ cho biết: “Những năm trước bán thấy ham lắm, lột sẵn, thương lái đến tận nhà thu gom, không đủ bán. Nay kêu lái đến bán, lái không thèm mua. Hơn 0,4ha bồn bồn đến lứa thu hoạch do không bán được, già quá lứa hơn 70%, chúng tôi đành ngậm ngùi phát bỏ, mong sao sớm qua giai đoạn khó khăn này”.

Theo anh Vũ, bồn bồn khá dễ trồng, chỉ tốn công chăm sóc, không tốn chi phí phân thuốc gì khác, thế nhưng lợi nhuận từ 1ha bồn bồn bằng 4 – 5 lần so với trồng lúa, hoa màu khác. Do đó, nguồn thu nhập chính của hơn 14 thành viên THT hiện nay gần như đều phụ thuộc vào bồn bồn.

Bồn bồn thương phẩm của tổ hợp tác trong tình trạng cung lớn hơn cầu, ước lượng bồn bồn quá lứa, phải phát bỏ chiếm khoảng 40 – 50% diện tích trong thời điểm này.

Anh Quách Minh Hòa cho biết: “Từ việc trồng tự phát, nhân lên thành THT, ban đầu với 10 thành viên, diện tích 13,4ha; nay tăng lên 14 thành viên, với 20ha. Từ đó, khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ, lượng bồn bồn thương phẩm xuất ra khá lớn. Nếu có đầu ra ổn định, đây là một trong những nghề mang lại thu nhập khá cho bà con. Giờ đây, trước ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh, bà con hy vọng qua đợt dịch bệnh này, sẽ tìm được đầu ra ổn định. Qua đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho trên 20 lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thu nhập bình quân trên 100 ngàn đồng/ngày.

Đây chỉ là một trong những HTX, THT điển hình của tỉnh vướng phải tình trạng khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 186 HTX với hơn 3.100 thành viên và trên 1.000 THT, với hơn 15.700 tổ viên, hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tính đến nay, quỹ hỗ trợ HTX, THT đã hỗ trợ cho gần 90 dự án với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng, tháo gỡ kịp thời một phần khó khăn về vốn, giúp HTX duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ thành viên. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của ngành chức năng, cũng như nhìn nhận từ thực tế, kinh tế tập thể hiện còn nhiều khó khăn bất cập. Khó từ năng lực hoạt động, đến chất lượng và kết nối tiêu thụ. Số HTX, THT ngưng hoạt động vẫn ở mức cao. Số HTX, THT hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm 15%… Hy vọng rằng, sắp tới sẽ có giải pháp hiệu quả, đưa kinh tế tập thể phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, mặt khác nhằm đảm bảo duy trì, đạt tiêu chí 13 (hình thức tổ chức sản xuất) trong xây dựng NTM ở các xã NTM tỉnh Cà Mau nói chung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *