Tổ tư vấn tâm lý học sinh: Khó nhưng phải làm

Trong khoảng hai năm trở lại đây, tình trạng học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn ngày càng tăng. Cách đây không lâu, có trường hợp học sinh Trường THPT Cà Mau chỉ vì xung đột với bạn trên facebook mà hẹn nhau “thanh toán” ngoài đời thật. Trường hợp đánh nhau rồi quay clip đưa lên mạng hay mới đây trường hợp bé gái 13 tuổi ở xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) tự tử vì bị xâm hại mà không biết bày tỏ cùng ai. Quá uất ức, em này đã tìm đến cái chết. Đây cũng là vấn đề nan giải. Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, có thể giúp cho các em gần nhau hơn nhưng cũng có thể gây xung đột, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Các bậc phụ huynh chỉ vì nuông chiều con mà sẵn sàng sắm “dế” đầy đủ chức năng cho các em sử dụng rồi bỏ lửng việc quản lý. Vấn đề này đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh ngành Giáo dục và hội cha mẹ học sinh phải nhanh chóng tìm hướng khắc phục và bảo vệ con em mình tốt hơn.

Trước tình hình thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 31/2017/TT – BGDĐT ngày 18/12/2017 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường THPT. Tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã thành lập được tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; cán bộ, giáo viên chủ nhiệm làm công tác tư vấn tâm lý.

Trường THPT U Minh cũng đã thành lập tổ tư vấn, thành viên là giáo viên chủ nhiệm và cán bộ phụ trách Đoàn trường. Thầy Lưu Quang Trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT U Minh: “Dù trường mới thành lập tổ tư vấn tâm lý cho học sinh được 2 năm, nhưng qua đánh giá, các thành viên đã làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, nhất là hiện nay mạng xã hội ngày càng phát triển, bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn nhiều tiêu cực. Để làm tốt công tác tư vấn, can thiệp kịp thời thì giáo viên chủ nhiệm – thành viên của tổ theo sát học sinh lớp mình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng để giúp các em có những suy nghĩ đúng đắn”.

Giáo viên ngoài giờ lên lớp còn là những người anh, người chị, sẵn sàng chia sẻ với các em những khó khăn, vướng mắc, giúp các em hứng thú hơn trong giờ học.

Toàn trường hiện có 636 học sinh với 18 lớp. Để quản lý tốt các em, trường đã đầu tư lắp đặt camera để theo dõi các em trên lớp cũng như giờ giải lao, tránh tình trạng các em xung đột, kịp thời can thiệp. Ngoài ra, để các em chú tâm vào việc học, nhà trường đã đưa ra nội quy các em không được mang điện thoại vào trường, nếu vi phạm sẽ bị nêu tên dưới cờ vào thứ Hai hàng tuần.

Thạc sĩ Địa lý, cô Phạm Hồng Mơ, giáo viên chủ nhiệm lớp 11C5 của trường, chia sẻ: “Tâm lý học sinh bây giờ khác xa thời xưa của chúng mình, nhất là về tình cảm. Lớp trẻ ngày nay rất mạnh dạn thể hiện tình cảm với nhau. Nếu không được đáp lại hoặc là chia tay thì ảnh hưởng rất nhiều đến chuyện học tập của các em. Nhưng vấn đề này thì mình phải tế nhị khuyên ngăn, không được vồ vập, tránh cho các em mặc cảm”.

Cũng theo cô Mơ, không phải học sinh nào cũng dễ dàng chia sẻ tâm tư với mình, có những em sống khép kín, phải thông qua bạn bè, thông qua các mối quan hệ mới “xâm nhập” vào được tâm tư của em, từ đó mới tìm cách tiếp cận… đòi hỏi phải kiên nhẫn. Nhờ hiểu được tâm sinh lý của các em, nên việc nắm bắt tâm lý của các em cũng thuận tiện hơn, ngoài giờ lên lớp, cô Mơ cũng như nhiều giáo viên của trường thành lập nhóm trên zalo, để kịp thời chia sẻ, động viên khi các em có những suy nghĩ tiêu cực. Tại Trường THPT U Minh, do khó khăn trong việc tổ chức các tiết học ngoại khóa cho các em nên vào thứ Hai hàng tuần, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, nhà trường lồng ghép sinh hoạt cho các em. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt nội quy cùng với sự nhiệt tình của giáo viên chủ nhiệm lớp, nên thời gian qua không xảy ra mâu thuẫn, các vấn đề về tình cảm được giáo viên can thiệp kịp thời. Đây là kết quả rất khả quan.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thì do nhiều nguyên nhân mà công tác này vẫn chưa phát huy hiệu quả ở nhiều đơn vị. Hầu hết các nhà trường chưa được bố trí biên chế cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý; thiếu kinh phí hoạt động. Đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý đa số là các giáo viên kiêm nhiệm, các chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm, quy định cụ thể; chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, chưa được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nên chất lượng tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Mặt khác, cái khó cho giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn là các em còn được tự do sử dụng smartphone để chơi game online, không chỉ ảnh hưởng đến việc học mà còn dễ kết nối với các đối tượng xấu, dễ bị dụ dỗ… Để các em phát triển toàn diện, trách nhiệm không chỉ riêng nhà trường mà cần có cả sự chung tay của gia đình và xã hội.

Thiết nghĩ, vì một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, các trường cần phải hạ quyết tâm “khó nhưng phải làm”, bám sát tình hình thực tế của đơn vị để xây dựng kế hoạch. Trong đó, chú trọng công tác tư vấn về tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại học đường…; trang bị cho các em những phương pháp học tập hiệu quả, kỹ năng định hướng nghề nghiệp một cách tốt nhất.

Thạc sĩ Tâm lý Bùi Khiếu Ngọc Lệ Hằng, giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau:

“Để các em tránh bị áp lực tâm lý trong cuộc sống, học tập, các bậc phụ huynh cần hiểu nhiều hơn về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của con, để các em tin tưởng, có thể chia sẻ mọi chuyện. Phụ huynh cần trở thành người bạn, là chỗ dựa tinh thần cho con, phải cho con thấy được tình yêu thương, sự quan tâm thật sự, mỗi ngày cần dành thời gian trò chuyện, quan tâm, gần gũi con nhiều hơn để kịp thời phát hiện những biểu hiện lạ về trạng thái cảm xúc, hành động, suy nghĩ của con em mình để chia sẻ, hướng dẫn và động viên, giúp các em tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.

Đối với học sinh, khi gặp căng thẳng trong học tập hay bất kỳ vấn đề nào khác trong cuộc sống, hãy chia sẻ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè hoặc tìm đến người mình tin tưởng nhất. Có thể thoải mái chia sẻ những áp lực mà bản thân gặp phải, các em sẽ tìm được những gợi ý và động viên để thoát khỏi tâm trạng nặng nề. Chia sẻ không chỉ giúp các em tìm được giải pháp tốt cho vấn đề của mình mà còn giúp cho các em được trút hết nỗi lòng, được giải tỏa những căng thẳng, những khó khăn, cân bằng trạng thái cảm xúc. Đừng bao giờ biến mình trở thành một người cô đơn, vì càng cô đơn, nỗi buồn, áp lực, căng thẳng sẽ lại nhiều hơn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *