Tôm Cà Mau lao đao vì dịch bệnh

Khó chung…

Lãnh đạo Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (CASES) thông tin: “Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, hiện các đơn hàng ảnh hưởng trên 50%, các đơn hàng bị hủy của công ty khoảng 20%”. Ông Lê Quang Khánh, Phó Tổng Giám đốc CASES, nhìn nhận và đưa ra thông tin tham khảo: “Hiện nay, thị trường châu Âu đang “sốc” nhưng khi ổn định lại thì sẽ trở thành cơ hội cho chúng ta phát triển. Cũng giống như thị trường Trung Quốc hiện nay đang dần ổn định lại, thế nhưng để mua tôm trong dân phục vụ chế biến thì không có, do giá tôm giảm cục bộ, hiện bà con bỏ nuôi rất nhiều”.

Công ty vẫn đang duy trì hoạt động, không nhận thêm lao động mới cũng như lao động thất nghiệp từ ngoài tỉnh về. Nhằm phòng chống dịch COVID-19, CASES đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện; cụ thể hóa nghị định của Chính phủ cũng như của tỉnh. Cái khó lớn nhất hiện nay là khâu quản lý công nhân khi ra khỏi công ty, công nhân di chuyển trong và ngoài tỉnh nên rất khó kiểm soát.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra hoạt động của các xưởng, khu nhà ở công nhân và nhà ăn công nhân tại Công ty CASES.

“Còn riêng đối với Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tình hình sản xuất kinh doanh có phần ổn định hơn, với số đơn hàng hủy chỉ 10%. Đa phần là kéo dãn hợp đồng ở các thị trường châu Âu và châu Á; hiện kho chứa của công ty cũng đã đầy hàng”, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phú Cà Mau, ông Lê Văn Điệp chia sẻ.

Riêng Công ty Minh Phú Cà Mau đã có hơn 6.300 công nhân, chính vì thế công tác phòng chống dịch được lãnh đạo tập đoàn đặc biệt quan tâm. Tập đoàn đã xây dựng phần mềm khai báo y tế riêng cho công nhân, cán bộ và nhân viên; loa phát thanh ở xưởng thì tuyên truyền 24/24 giờ về tình hình dịch bệnh cũng như công tác phòng tránh; thực hiện việc giám sát chéo trong công nhân, nếu phát hiện trường hợp nào tiếp xúc với người nước ngoài về hoặc người về từ vùng dịch sẽ khai báo y tế ngay.

Công ty CP Chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Minh Cường hiện có khoảng 300 công nhân làm việc theo ca. Trong Quý I/2020, sản lượng xuất khẩu tôm công ty giảm khoảng 40% so với năm 2019, đa số là những đơn hàng xuất sang các thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thực hiện việc phòng chống dịch COVID-19, 100% cán bộ, công nhân viên, người lao động khi đến công ty đều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và được đo thân nhiệt. Công ty đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tuyên truyền công nhân, người lao động thực hiện đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế, chủ động phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng (bên phải) kiểm tra tình hình sản xuất và công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Công ty CP Chế biến Thủy sản Xuất nhập khẩu Minh Cường.

Công ty CP Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CAMIMEX) tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19. Cán bộ, công nhân viên, người lao động công ty thường xuyên khai báo y tế, lưu hồ sơ dịch tễ hàng ngày để theo dõi kịp thời. Công ty bố trí bàn ăn tại bếp ăn tập thể cách xa 2m để đảm bảo phòng, chống dịch. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đơn hàng công ty đã ký chưa xuất được khoảng 940 tấn, dự kiến đến tháng 6/2020 số đơn hàng giảm khoảng 50%. Lãnh đạo công ty đề xuất có gói hỗ trợ cho vay mới từ phía ngân hàng để tạm trữ nguyên liệu, đảm bảo phục hồi sản xuất nhanh chóng khi dịch bệnh kết thúc.

Cùng gỡ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng đánh giá cao nỗ lực của Công ty CP Chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Minh Cường và CAMIMEX, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng vẫn tiếp tục duy trì sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, đề nghị các công ty cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý chặt chẽ công nhân lao động ra vào nhà máy. Tăng cường tuyên truyền để công nhân, lao động chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, không tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh thường xuyên. Bên cạnh đó, các công ty cần chủ động thông tin cụ thể những vướng mắc gặp phải, mạnh dạn đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn kịp thời các vấn đề liên quan đến thủ tục, xúc tiến thương mại, khai thác thị trường. Qua đó, tỉnh sẽ có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Các công ty thủy sản hiện vẫn đang duy trì hoạt động, không nhận thêm công nhân mới.

Nhận định tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải băn khoăn: “Hiện nay trong khu vực nhà xưởng thì khó có thể xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo nếu có dịch bệnh xảy ra, bởi lẽ môi trường đó đã được vô trùng rất kỹ lưỡng và đúng quy trình. Vấn đề đáng lo ngại ở đây là ở các nhà ăn cán bộ, nhà ăn công nhân, khu trọ công nhân và nhà ở công nhân… là những nơi dễ lây nhiễm dịch bệnh. Tuyên truyền công nhân sau khi tan ca phải về nhà, không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tập trung đông người…”.

Qua kiểm tra thực tế tại các nhà ăn công nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các công ty bố trí lại vị trí ngồi ăn sau cho đảm bảo khoảng cách 2m, tránh ngồi trực tiếp khi ăn, khuyến cáo công nhân không nói chuyện cùng nhau khi ăn; các xưởng, tổ cần khuyến khích công nhân khai báo thông tin y tế, từ điện thoại thông minh của công nhân bật chế độ định vị để dễ quản lý hơn; tại các nhà ăn, những trường hợp công nhân không mang khẩu trang thì không phát cơm, nhằm nâng cao ý thức mang khẩu trang nơi công cộng.

Qua buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND Nguyễn Tiến Hải yêu cầu hai đơn vị có báo cáo đầy đủ, chính xác và cụ thể nhất tình hình sản xuất kinh doanh của công ty với những đề nghị cụ thể và sát với thực tế. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để lãnh đạo tỉnh Cà Mau có kiến nghị tới Chính phủ, vì sự phát triển của ngành Thủy sản cũng như con tôm Việt, mà Cà Mau là “ thủ phủ” của ngành tôm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *