Tổng dư nợ chương trình tín dụng ủy thác trên 220 ngàn tỷ đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Ngân hàng CSXH cho biết, đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là trên 220 ngàn tỷ đồng, chiếm 99,56% tổng dư nợ của ngân hàng, tăng trên 90.000 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,8%.

Có 173.712 tổ Tiết kiệm và vay vốn, giảm hơn 23.000 tổ so với năm 2014, với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ, bình quân dự nợ 1,3 tỷ đồng/tổ và 37 tổ viên/tổ; bình quân một khách hàng có dư nợ 34 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2014.

Việc thực hiện các nội dung ủy thác đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH; tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần hạn chế, đẩy lùi cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tại Cà Mau, nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, trong giai đoạn 2015 – 2020 đã giải ngân cho trên 124.120 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Cùng với nhiều nguồn lực khác, đã góp phần giúp trên 28.757 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 10.323 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Đến ngày 31/8/2020, dư nợ ủy thác toàn tỉnh trên 2.600 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,92% trong tổng dư nợ, tăng so với đầu năm 2015 trên 1.100 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 77%), với 2.599 tổ Tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động.

Hội nghị thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra định hướng và giải pháp hiệu quả thực hiện hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong thời gian tới.

Theo đó, Ngân hàng CSXH tiếp tục tập trung huy động, khơi tăng nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng theo chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan, các chương trình tín dụng để việc thực hiện tín dụng CSXH đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ, góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH. Đồng thời, động viên, khích lệ, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, tạo tâm lý tự tin, ý chí thoát  nghèo để người nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng vốn, hoàn trả vốn vay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *