TP. Cà Mau: “Căng não” trước chuyện dọn dẹp lòng đường, hè phố

Lối nào dành cho người đi bộ?. (Ảnh chụp tại Phường 2).

Phát hiện hơn 1.400 trường hợp vi phạm

Trong thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung và hành lang đường bộ nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành lang an toàn đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng; với các hành vi như: Sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ; đấu nối nhánh, đào, khoan đường, lắp đặt biển quảng cáo, biển tuyên truyền, xây dựng lều quán, nhà tạm trái phép; tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Việc này đã và đang gây mất ATGT và ảnh hưởng đến kết cấu công trình đường bộ. Từ đầu năm đến nay, TP. Cà Mau đã tổ chức gần 700 cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố. Qua đó phát hiện hơn 1.400 trường hợp vi phạm.

Báo cáo của Ban ATGT TP. Cà Mau cho thấy, công tác đảm bảo trật tự ATGT liên quan đến lòng đường, hè phố trên địa bàn hiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho người tham gia giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và tham gia quản lý trật tự ATGT còn nặng về hình thức, mang tính phong trào, hiệu quả đem lại không cao. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Công tác quản lý trật tự đô thị ở cơ sở chưa sâu, chưa sát với thực tế, nhất là công tác quản lý xây dựng, để cho người dân cất nhà, mái che lấn chiếm hành lang lộ giới gây mất ATGT. Công tác cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm hành lang lộ giới còn qua loa, chưa triệt để. Các địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; công tác phối hợp còn rời rạc, chưa đồng bộ. Việc tái chiếm sau khi cưỡng chế tháo dỡ còn xảy ra thường xuyên.

Ông Đỗ Đức Long, Chủ tịch UBND Phường 9, cho biết: Tuyến đường Nguyễn Trãi trên địa bàn từ lâu nay dường như không có vỉa hè; có chăng là mương, cống. Đất chưa có đền bù cho dân, cho nên công tác quản lý vỉa hè gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan tại khu vực. Thêm vào đó, trên địa bàn phường có khá nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhưng đa phần là không có sân bãi đủ lớn để khách đậu xe ôtô, nên thường là đậu dưới lòng đường, gây khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Vấn đề này, ông Long kiến nghị tỉnh nên có văn bản cá biệt để điều chỉnh, xử lý hành vi này.

Tập kết vật liệu xây dựng chiếm hết vỉa hè. (Ảnh chụp tại Phường 9).

Quy định thủ tục về sử dụng tạm lòng đường, hè phố bị “bỏ qua”

Liên quan đến chuyện lòng đường, hè phố; nhằm xây dựng văn hóa và đảm bảo ATGT trong khu vực đô thị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt, vừa qua, tỉnh đã ban hành quy định cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường ngoài mục đích giao thông. Theo đó, các hoạt động được phép sử dụng tạm, gồm: Sử dụng tạm thời một phần hè phố để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phục vụ đám tiệc, điểm trông giữ xe cho đám tiệc, điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; sử dụng làm điểm trung chuyển vật liệu, phế liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình…

Việc sử dụng tạm thời của cá nhân và tổ chức được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định. Tuy nhiên, quy định được ban hành hơn nửa năm nay, song rất hiếm người dân tuân thủ. Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND Phường 5, cho biết: Quy định tuy đã được ban hành, song không có nhiều người dân quan tâm đến. Việc xin phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, các hộ dân thường thực hiện không tốt; đa phần là tự ý…

Thời gian qua, rất nhiều hè phố nằm trên những trục đường chính ở TP. Cà Mau đều bị chiếm dụng một cách triệt để, không những gây cản trở cho người đi bộ mà còn tạo một hình ảnh nhếch nhác, khó chấp nhận ở bộ mặt trung tâm tỉnh. Để trả lại vỉa hè, lòng đường như mục đích sử dụng vốn có của nó, rất cần những giải pháp căn cơ, đảm bảo bền vững và lâu dài.

“Để mang lại vẻ mỹ quan cho thành phố, cần có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Đặc biệt là xử lý nhanh những trường hợp mới phát sinh. Phải cộng đồng trách nhiệm trong vấn đề này. Tăng cường tuần tra, kể cả vào thời gian ban đêm”, ông Bùi Tứ Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Cà Mau, nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *