Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Vai trò nêu gương của cán bộ cấp cao sẽ có tầm ảnh hưởng quan trọng và sức lan tỏa rõ rệt. Ảnh: LOAN PHƯƠNG

Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các định hướng về chủ trương công tác, bằng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức, kiểm tra và bằng sự nêu gương của đảng viên (bằng hành động gương mẫu của đảng viên).

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, dù ở hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân và đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, Ban Bí thư ban hành Quy định 101-QĐ/TƯ ngày 7/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55/QĐ-TƯ ngày 19/12/2016 về Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Nhờ có những quy định đúng đắn đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực bước đầu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ…

Tuy nhiên, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhìn nhận: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên; trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, đã ban hành Quy định số 8-QĐ/TƯ, ngày 25/10/2018, về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, được dư luận xã hội rất quan tâm, ủng hộ, bởi lẽ, việc nêu gương có ý nghĩa thiết thực và có vai trò lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội.

Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… có mục đích đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của cán bộ, đảng viên, trước hết là những lãnh đạo cấp cao, những vị trí chủ chốt ở mọi cấp. Mỗi Ủy viên Bộ Chính trị,  Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng phải thực sự là biểu tượng của trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Tiếp đến, người lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương đều phải nêu gương. Trong quá trình thực hiện, vai trò nêu gương của cán bộ cấp cao sẽ có tầm ảnh hưởng quan trọng và sức lan tỏa rõ rệt nhất, thực sự trở thành động lực tinh thần hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, chuẩn mực và đạo đức.

Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… đã nhắm thẳng vào sự thật, tập trung vào những khuyết điểm, nguyên nhân, bức xúc trong xã hội do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra. Nội dung nêu gương ngang tầm với vị trí, vai  trò, trách nhiệm được giao cho cán bộ, đảng viên. Quy định có ý nghĩa chống các biểu hiện trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, trong công tác cán bộ, chống tham nhũng, lạm quyền, lợi ích nhóm, để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi; làm tăng thêm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng.

Quy định có 4 điều thì hai điều dành cho các đối tượng cán bộ cấp cao với 16 nội dung, gồm 8 nội dung gương mẫu thực hiện, tám nội dung nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”.

Để thực hiện có hiệu quả thiết thực quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… các cấp ủy đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quy định và định kỳ hằng năm có tổng kết, báo cáo với cấp ủy cấp trên tình hình thực hiện quy định.

Các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt đầy đủ ý nghĩa, mục đích, tác dụng và nội dung của quy định cho cán bộ, đảng viên để có nhận thức đúng đắn, sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh. Các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung quy định cho các tổ chức chính trị – xã hội và quần chúng nhân dân biết để tham gia giám sát cán bộ, đảng viên. Đưa nội dung của quy định vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của tổ chức đảng. Gắn việc thực hiện quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, của các phương tiện thông tin đại chúng và công luận. Tổ chức tốt các buổi sinh hoạt để quần chúng góp ý phê bình cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra đối với tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên, giúp tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên khắc phục, sửa chữa kịp thời những yếu kém, khuyết điểm.

Ủy ban kiểm tra các cấp làm tốt công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm gắn với việc xem xét, giải quyết tố cáo để kịp thời phát hiện, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm; chỉ đạo kiểm tra các tổ chức đảng thuộc phạm vi quản lý có khuyết điểm trong việc buông lỏng công tác lãnh đạo, kiểm tra thực hiện quy định dẫn tới nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm. Những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định này phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cao đẹp nhất và thuyết phục nhất trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người là tấm gương tiêu biểu nhất về sự vận dụng phương pháp nêu gương một cách sáng tạo và độc đáo trong thực tiễn rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… nhất định sẽ có sức lan tỏa rất lớn, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *