Trách nhiệm trước lằn ranh sống – chết

Với vai trò Điều dưỡng trưởng, cô Thu luôn ân cần, trách nhiệm trong công tác chăm sóc người bệnh.

NỬA CUỘC ĐỜI TẬN TÂM VỚI NGƯỜI BỆNH

Suốt buổi trò chuyện, cô ít nói về mình, chỉ kể toàn những ca bệnh, hoàn cảnh người bệnh bằng cảm xúc chân thành. Đó là nhiều trường hợp tưởng chừng đã chết, lại được cứu sống; những bệnh nhân nghèo sau khi điều trị khỏi, cả khoa góp tiền thuê xe đưa họ về; người mẹ tâm thần nhập viện, dẫn theo hai đứa con nhỏ mồ côi cha, các chị điều dưỡng thay phiên nhau chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ; câu chuyện về chàng trai trẻ nhận quyết định mãn hạn tù tại bệnh viện khi được Khoa điều trị qua cơn nguy kịch… và nhiều trường hợp phải đứng nhìn bệnh nhân tử vong. Mỗi hồi ức là một kỷ niệm trong nghề, hạnh phúc có, đau buồn có, song cô vẫn luôn trân trọng góp nhặt, xem đó là tài sản quý giá của đời mình, và sẽ truyền cho thế hệ tiếp sau.

Cô là y sĩ Trương Hồng Thu (sinh năm 1962), có gần 30 năm giữ nhiệm vụ Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với gương mặt phúc hậu, nụ cười thân thiện, tác phong nhanh nhẹn, cô tạo được cảm giác gần gũi cho bất kỳ ai khi tiếp xúc. Nói về quê hương ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, cô Thu nhớ lại lúc mình khoảng 9 – 10 tuổi, có nhiều bác sĩ ở nhà mình để phục vụ cho việc giảng dạy lớp y tá thời chiến và khám bệnh cho bà con trong vùng. Ngưỡng mộ những tấm gương y đức sáng ngời, ngay lúc ấy, cô Thu quyết tâm theo ngành Y và nỗ lực không ngừng thực hiện ước mơ.

Cô Thu (bìa trái) tận tình hướng dẫn, giúp đỡ các điều dưỡng trẻ, nhằm phục vụ chu đáo cho người bệnh.

Với vai trò Điều dưỡng trưởng, cô Thu luôn trách nhiệm trong công tác chăm sóc người bệnh và tổ chức thực hiện kịp thời các chỉ định điều trị, theo dõi, xét nghiệm, chăm sóc của bác sĩ điều trị. Đặc biệt là thái độ ứng xử hết sức cần thiết trong mỗi tình huống, không gây phiền hà cho người bệnh, ân cần, nhẹ nhàng với bệnh nhân. Cô Thu chia sẻ: “Tâm lý người bệnh và thân nhân của họ thường rối ren, nóng nảy, rất dễ có hành động hoặc lời nói khiếm nhã, vì thế chúng ta nên thông cảm, tận tâm, tận lực chăm sóc cho người bệnh như chính người thân của mình. Nghĩ về số phận của người bệnh chứ không vì một lý do nào khác, với mong muốn lớn nhất là giúp bệnh nhân vượt qua được nỗi đau của bệnh tật, mang lại niềm vui cho bệnh nhân và thân nhân”. Hành động tốt đẹp, gương mẫu ấy không chỉ được thực hiện ở chính bản thân cô mà đã lan tỏa trong Khoa Hồi sức tích cực, chống độc và cả bệnh viện.

Ngoài phân công công việc một cách khoa học, hướng dẫn và giúp đỡ cho điều dưỡng trong Khoa hoàn thành tốt nhiệm vụ, cô luôn nhắc nhở các bạn trẻ về thái độ phục vụ người bệnh, không gây phiền hà cho người bệnh trong quá trình chăm sóc và phục vụ, cũng là việc để giúp bệnh nhân giảm đau đớn về thể chất cũng như tinh thần. Để góp phần chẩn đoán nhanh, chính xác cho bệnh nhân, hai năm qua, Điều dưỡng trưởng Trương Hồng Thu đã có 2 sáng kiến “Biện pháp tiết kiệm albumin trong khi truyền” và “Phòng ngừa bệnh nhân loét do tỳ đè băng túi nước trên bệnh nhân hôn mê”, áp dụng tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc đạt hiệu quả cao.

Hơn một năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, song cô vẫn mãi tự hào về tinh thần đoàn kết của tập thể Khoa trong chăm sóc, điều trị người bệnh. Mặc dù là khoa điều trị những bệnh nặng, được xem là “biên giới” sống – chết, vậy mà nhiều năm liền Khoa Hồi sức tích cực, chống độc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, niềm hạnh phúc nhất của cô là hai người con gái đều đang theo học ngành Y tại TP. Cần Thơ.

TIẾP NỐI NHIỆT HUYẾT SỨC TRẺ…

Tại Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngay từ sáng sớm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến điều trị, không khí làm việc luôn khẩn trương. Áp lực công việc rất lớn từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đòi hỏi mỗi y, bác sĩ tại Khoa phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để chẩn đoán, điều trị bệnh một cách kịp thời và chính xác, giúp bệnh nhân mau hồi phục.

Bác sĩ Trường (trái) ngày càng được nhiều người quý mến bởi sự nhanh nhẹn và “duyên” với những ca trực có bệnh nhân đặc biệt.

Tám năm gắn bó với Khoa Cấp cứu, đúc rút kinh nghiệm thực tế kết hợp với nghiên cứu chuyên môn và quan trọng hơn hết là tâm với nghề, bác sĩ Dương Quang Trường (sinh năm 1982) ngày càng được nhiều người quý mến bởi sự nhanh nhẹn và “duyên” với những ca trực có bệnh nhân đặc biệt. Kể về những kỷ niệm trong nghề, bác sĩ Trường cười hiền, có khi người bệnh, người nhà bệnh nhân gây rối, la mắng inh ỏi…, lúc đầu bản thân cũng bị stress nhưng dần quen. Anh nhớ nhất là những mùa tết, như “cuộc chiến với tử thần”, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, bệnh nặng, lượng bác sĩ trực ít, nên áp lực công việc rất cao, có năm anh không được ăn tết trọn vẹn cùng gia đình. Nhưng với nhiệt huyết, yêu nghiệp đã chọn, bác sĩ Trường tâm niệm phải đặt hết trách nhiệm vào công việc làm sao giúp người bệnh qua cơn nguy kịch và chất lượng làm việc tại Khoa luôn được đảm bảo, đặc biệt y đức phải đặt lên cao nhất.

Ngoài làm tốt công việc chuyên môn, bác sĩ Trường còn giữ vai trò Bí thư Đoàn cơ sở bệnh viện, với 12 chi đoàn, 360 đoàn viên. Nhiều năm liền Đoàn cơ sở Bệnh viện đạt thành tích vững mạnh trong khối, thông qua các hoạt động về nguồn tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà con vùng nông thôn; đặc biệt, việc khởi xướng thành lập câu lạc bộ “Blouse trắng tình nguyện”, đã cung cấp lượng máu “chữa cháy” giúp nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch khi máu trong ngân hàng máu không thích hợp. Bác sĩ Trường bộc bạch: “Lực lượng trẻ ngày càng chiếm ưu thế khi có điều kiện học tập, dấn thân, vì thế, tôi luôn định hướng các bạn trẻ trách nhiệm với cộng đồng, nhất là hoạt động của ngành Y, phải tuân thủ những điều y đức, phải làm việc bằng cái tâm”.

Trước sự mong manh giữa sự sống và cái chết, đòi hỏi những quyết định căng đầu chỉ trong tích tắc. Nơi đây cũng có thể bùng lên các xung đột của người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế khi họ chưa hiểu hết các quy trình cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ Phan Khánh Lâm (sinh năm 1986), Khoa Hồi sức tích cực, chống độc – Bệnh viện Sản – Nhi vẫn ngày ngày cần mẫn vượt thách thức bằng tâm đức. Bác sĩ Lâm chia sẻ: “Nói về áp lực ngành Y thì chúng tôi phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là từng phút, từng giây… nhất là mỗi khi gặp các ca bệnh khó, nguy hiểm. Nhưng càng làm thì mình cảm thấy yêu thích ngành Y hơn. Mỗi khi mình điều trị ca nào đó thấy các bé qua khỏi cơn nguy kịch, được cứu sống, đó là một niềm hạnh phúc khó tả”.

Bác sĩ Lâm (trái) cùng cộng sự đã điều trị thành công nhiều ca bệnh khó.

Là bác sĩ trẻ, tuổi nghề còn ít, song bác sĩ Lâm luôn không ngừng trau dồi, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, đặc biệt bất cứ thời điểm nào khi cần Lâm đều có mặt, hỗ trợ kịp thời cùng đồng nghiệp chữa trị thành công nhiều ca bệnh nặng. Ý thức cao trong công việc, nhanh nhẹn trong xử lý những thủ thuật khó, tình huống phức tạp, bác sĩ Lâm là nhân tố quan trọng trong khâu tiếp nhận các gói cấp cứu, hồi sức nâng cao được chuyển giao từ Bệnh viên Nhi đồng 1. Hiệu quả thông thạo các kỹ thuật nâng cao, đã giúp Khoa điều trị thành công nhiều trường hợp suy hô hấp, viêm phổi nặng… mang lại hạnh phúc cho bao gia đình, và cho chính bản thân Lâm – chàng bác sĩ giàu lòng nhiệt huyết, tận tâm, tận lực với nghề.

Nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng là nghề đòi hỏi hy sinh và tận tụy. Sự hy sinh ấy đang diễn ra từng phút, từng giờ, với những y, bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu để giành lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh. Mỗi mũi tiêm, mỗi viên thuốc, mỗi ánh mắt, bàn tay của người thầy thuốc đều chứa đựng tấm lòng nhân hậu. Rất thầm lặng, sự hy sinh của những người thầy thuốc luôn đáng quý và đáng trân trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *